Tổng kết diễn đàn “Chống lạm phát học sinh giỏi”

Ai xóa nạn lạm phát học sinh giỏi? - Bộ trưởng!

Ngày 9-6, báo Pháp Luật TP.HCM đã mở diễn đàn “Chống lạm phát học sinh giỏi (HSG)”. Bốn ngày qua, diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Các ý kiến tham gia diễn đàn đều khẳng định hiện tượng lạm phát HSG đang xuất hiện khá tràn lan và bày tỏ sự lo ngại trước những hệ quả mà hiện tượng này để lại. ThS Ngô Minh Uy (Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý-giáo dục TP.HCM) cho rằng: “Việc đào tạo ra hàng loạt HSG như thế là dối trá và báo động, về lâu dài sẽ tạo ra cho xã hội những con người dối trá”. Còn GS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cảnh báo: “Việc lạm phát HSG hiện nay có tác động xấu không chỉ với HS mà còn với xã hội. Xã hội toàn người giỏi ảo thì không thể phát triển!”.

Giá trị học sinh giỏi đúng thực chất mang lại niềm tin cho xã hội. Trong ảnh: Một buổi tuyên dương học sinh giỏi tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Ảnh: HTD

Các ý kiến đã tập trung mổ xẻ về nguyên nhân. Theo ThS Ngô Minh Uy: “Việc đào tạo ra hàng loạt HSG như thế đang phục vụ cho những yêu cầu, thành tích của nhà trường, của người lớn chứ không phải phục vụ cho việc học tập của HS”. Còn theo TS Trần Hoàng (ĐH Sư phạm TP.HCM): “Khi việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả chưa thể như mong muốn thì ngày nào việc thi đua trong nhà trường vẫn còn chăm chăm dựa vào tỉ lệ HSG, ngày đó vấn nạn lạm phát HSG vẫn sẽ còn!”. Nhà giáo Nguyễn Trọng
(TP.HCM) với thâm niên hơn 30 năm trong nghề khẳng định tình trạng lạm phát HSG là do bệnh thành tích của toàn bộ hệ thống giáo dục mà ra. Một nguyên nhân khác, theo nhà giáo Nguyễn Trọng là quy định xét tuyển vào lớp đầu cấp (lớp 6, 10) ưu tiên cho HSG, chưa kể nếu đạt danh hiệu này các em còn được cộng thêm điểm vào hồ sơ xét tuyển. Quy định này vô hình trung khuyến khích cho việc tăng HSG...

Bàn về giải pháp xóa bỏ thực trạng lạm phát HSG, theo GS Văn Như Cương: “Cần phải thực hiện nghiêm túc. Toàn ngành phải quyết tâm học thật, dạy thật, thi thật, cho điểm thật mới mong xóa được thực trạng đáng buồn trên”. TS Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm, TP.HCM) hiến kế : “Theo tôi, thay vì hô hào chỉ tiêu tuyệt đối, chúng ta cần nghĩ ra các phương cách truyền cho HS niềm say mê, hứng thú, tinh thần ham học hỏi - cái mà những người tâm huyết với giáo dục thường nói với nhau là truyền lửa cho HS”. Còn theo TS Trần Hoàng: “Muốn việc đánh giá HS đúng thực chất cần nhanh chóng loại bỏ việc đưa chỉ tiêu HSG vào các nội dung đánh giá thi đua của ngành giáo dục trên toàn xã hội”. Đồng tình với ý kiến này, nhà giáo Nguyễn Trọng cũng chỉ ra địa chỉ phải chuyển động trước tiên: “Bệnh thành tích trong nhà trường đến nay chưa xóa bỏ được là vì những nguyên nhân trực tiếp gây ra chưa được xóa bỏ. Mà ai xóa bỏ? Phải từ cấp cao nhất (Bộ GD&ĐT) làm trước rồi mới đến các cấp thấp hơn, cuối cùng là đơn vị trường, lớp mà giáo viên chúng tôi là những người thừa hành thực hiện”…

Trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại diễn đàn Quốc hội cho thấy sự cầu thị của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa thật an tâm vì lời nói của vị bộ trưởng có thật sự làm chuyển động cả bộ máy chưa hay cũng “lời nói gió bay” như các đời bộ trưởng trước.

HSG là danh hiệu mà HS nào cũng thích, cũng hướng tới. Nó cũng là động lực để các em nỗ lực học tập. Bạn đọc kỳ vọng sau diễn đàn này, danh hiệu HSG mới được trả về đúng giá trị của nó. Có như vậy hệ thống giáo dục mới trở thành niềm tin của xã hội.

QUANG ÂN, tổng hợp

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lên tiếng

Ngày 11-6, tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn về thực trạng xuất hiện tỉ lệ HS khá, giỏi cao; tỉ lệ này có phản ánh đúng thực chất không? Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận có thực tế này và cho rằng nguyên nhân có liên quan đến bệnh thành tích; vấn đề đánh giá các thầy cô, đánh giá cơ sở giáo dục thông qua thành tích học tập của HS.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ Bộ không khuyến khích việc tăng tỉ lệ HSG cũng như đánh giá HS, đánh giá thầy cô giáo và cơ sở giáo dục thông qua kết quả phân loại HS. Bộ trưởng cho biết ý thức được vấn đề này, Bộ đã rà soát các quy định, loại bỏ quy định đánh giá giáo viên cũng như cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của HS. Nếu còn rơi rớt của tình trạng này, toàn ngành sẽ tiếp tục giải quyết dứt điểm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết việc chuyển một cách hoàn chỉnh nền giáo dục hiện nay đang nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực sẽ không còn chỗ cho việc đánh giá không đúng chất lượng của HS.

(Theo VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm