Tàu sân bay INS Vikramaditya. |
Tờ “India Times” ngay sau đó đã đặt một dấu hỏi khá lớn ngay trên trang chủ của mình: Vì sao ông Modi không vui khi đến thăm INS Vikramaditya? Đây quả thực là một câu hỏi rất đáng để suy ngẫm bởi xét trong hiện tại, ngoài Nhật Bản, Ấn Độ là quốc gia thứ hai ở châu Á có nhiều hơn hai tàu sân bay cùng hoạt động một lúc. Nói cách khác, Ấn Độ có thể được coi là một cường quốc hải quân ở tầm cỡ thế giới.
Nhưng theo lý giải của tiến sỹ Raja Mohan trên tờ “The Indian Express”, sự âu lo của ông tân Thủ tướng Narendra Modi là hoàn toàn hợp lý vì ông nhận ra rằng năng lực hiện tại của hải quân Ấn Độ sẽ không thể đảm đương được kỳ vọng của ông và khó có thể trở thành điểm tựa về an ninh hàng hải cho những toan tính kinh tế của ông.
Sự ưu tư của tân Thủ tướng Ấn ĐộNarendra Modi trong khi đang đi thăm tàu sân bayINS Vikramaditya. |
“Thủ tướng Modi hẳn phải nhận thấy rằng thời kỳ “vẻ vang” này của Hải quân Ấn Độ sẽ không kéo dài. Bên cạnh chiếc tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu sân bay INS Viraat của Ấn Độ đã phục vụ hơn 60 năm và sẽ phải sớm được cho “về nghỉ hưu” - tiến sỹ Raja Mohan nhận xét.
Thực tế, các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông Modi cũng đã nhận ra điều này và họ đã có kế hoạch bổ sung bằng cách tự đóng một chiếc tàu sân bay trong nước. Có điều, kế hoạch này đang gặp khó khăn do thiếu vốn.
Bên cạnh đó, New Delhi hiểu rằng dù cho họ có tăng tốc nhanh đến đâu thì họ cũng sẽ về sau so với Trung Quốc bởi quốc gia láng giềng và cũng là mối đe dọa lớn nhất đến an ninh hàng hải của Ấn Độ sẽ sớm có chiếc tàu sân bay thứ hai cùng với chiếc Liêu Ninh mới được đưa vào phiên chế cách đây vài năm.
Trên góc độ kinh tế, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ như một thế lực kinh tế đáng gờm và sự “qua mặt” trên lĩnh vực hải quân cùng với sự hung hăng ngày càng cứng rắn tại các vùng biển châu Á của Trung Quốc đã khiến các nhà lãnh đạo Ấn Độ vô cùng lo lắng. Ông Modi không phải là một ngoại lệ.
Xét về lịch sử lập quốc, Ấn Độ đã từng có thời kỳ là một cường quốc hàng đầu thế giới về hải quân. Từ năm 1612, Công ty East India (Đông Ấn) đã thiết lập lực lượng hàng hải tại Surat để bảo vệ tuyến hàng hải huyết mạch đảm nhiệm mọi chuyến tàu giao thương giữa Anh với Ấn Độ.
Ấn Độ tiếp tục là cường quốc hải quân liên tục trong suốt hơn 4 thế kỷ cho đến khi được thực dân Anh trao trả độc lập (1947). Đáng tiếc là kể từ đó, hải quân Ấn Độ gần như đã trở thành “đứa con rơi”.
Theo tiến sỹ Raja Mohan, có hai yếu tố khiến Ấn Độ “bỏ rơi hải quân”. Thứ nhất là chiến lược tự lực phát triển kinh tế quốc gia của Ấn Độ. Thứ hai, Ấn Độ đã phải dồn sức quá nhiều cho mặt trận trên bộ do sự phân chia lãnh thổ ở phía Bắc và việc Trung Quốc đưa quân xâm chiếm Tây Tạng.
Cho đến tận thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi Ấn Độ bắt đầu tham gia vào cuộc chơi toàn cầu hóa, tầm quan trọng của hàng hải và vấn đề an ninh hàng hải mới được New Delhi chú trọng.
Hiện nay, thương mại qua đường biển đã chiếm một tỷ lệ khá lớn trong nền kinh tế Ấn Độ và chiếm gần 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Ấn Độ cũng phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu các nguồn năng lượng đi qua đường biển. Thế nhưng, sự phát triển hạ tầng hàng hải của Ấn Độ chưa theo kịp mức độ phụ thuộc của nước này vào biển. Ấn Độ không phát triển hai quần đảo ở Vịnh Bengal và Vịnh Arập để tạo điều kiện mở rộng tầm với và ảnh hưởng hàng hải của mình. Trên thực tế, trong lĩnh vực an ninh hàng hải, các nhà lãnh đạo ở New Delhi vẫn chỉ nói nhiều, làm ít.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, đáng lẽ Ấn Độ phải xây dựng một năng lực hải quân lớn hơn và hùng mạnh hơn nhằm bảo vệ lợi ích của mình xung quanh vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Song đáng tiếc là “cái tầm” của các nhà lãnh đạo ở New Delhi đã khiến cho sự phát triển hàng hải và phát triển năng lực hải quân của nước này trở nên èo uột một cách khó hiểu.
Dưới thời của Bộ trưởng Antony, hải quân Ấn Độ phải gánh chịu tất cả những thảm họa do Bộ Quốc phòng giáng xuống như: Quản lý các mối quan hệ dân sự-quân sự một cách yếu kém, hỗn loạn trong mua sắm vũ khí, từ chối hỗ trợ mở rộng sản xuất thiết bị quốc phòng trong nước. Hải quân cũng phải chịu đựng thêm gánh nặng do Bộ Quốc phòng thiếu sự đánh giá đúng những vấn đề hàng hải…
Tại mỗi thời điểm khi các nước lớn, nhỏ cũng như các thể chế đa phương, khu vực và toàn cầu kêu gọi Ấn Độ đóng một vai trò an ninh lớn hơn, ông Antony lại “đóng cửa” đối với ngoại giao hải quân Ấn Độ và đối với các đối tác hàng hải quốc tế.
Giờ đây, khi ông Modi nhậm chức, niềm hy vọng của hải quân Ấn Độ lại bừng lên. Xuất thân từ bang Gujarat, nơi từng là tuyến đầu thương mại hàng hải của Ấn Độ, người ta cho rằng ông tân Thủ tướng “hiểu về biển” hơn những người tiền nhiệm và ông sẽ quét sạch những tàn tích của ông Antony tại Bộ Quốc phòng.
Nói cách khác, ông Modi là người hiểu hơn ai hết, Ấn Độ phải tăng tốc xây dựng hải quân hoặc là… đại bại.
Theo Lương Minh/Infonet