Nguồn tin tình báo cho biết Bắc Kinh đang sử dụng ba chiếc điện thoại vệ tinh Thuraya, loại bị cấm ở Ấn Độ, để thu thập thông tin về bộ máy an ninh của Ấn Độ ở căn cứ Demchok, khu vực Ladakh ở biên giới.
Những điện thoại này bị phát hiện đang hoạt động trong phạm vi cách Demchok 35 km về phía Tây Bắc vào ngày 15-11. Chúng có liên lạc trực tiếp với các số điện thoại hoạt động ở Trung Quốc. Cơ quan an ninh Ấn Độ ở Ladakh hiện đang nâng cao cảnh giác sau các báo cáo này.
Theo tờ India Today, mặc dù từng có nhiều trường hợp phát hiện điện thoại vệ tinh của Trung Quốc hoạt động ở Tây Tạng và Arunachal Pradesh vào năm 2015 và 2016 nhưng đây là trường hợp đầu tiên ở Demchok.
Người dân Trung Quốc ở làng Demchok, khu vực Ladakh ở biên giới hai nước, trong cuộc xung đột hồi năm 2014. Ảnh: INDIA TODAY
Theo Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Hansraj Ahir, rất ít khi các nước láng giềng theo dõi Ấn Độ. “Do đó, Bộ Quốc phòng cùng với các cơ quan tình báo và an ninh sẽ ngăn chặn các nỗ lực gián điệp này. Chúng tôi sẽ không để những nhiệm vụ này thành công” - ông Ahir nói với tờ India Today.
Trong khi đó, Thiếu tướng GD Bakshi, một chuyên gia bảo mật, cảnh báo rằng “binh sĩ Trung Quốc vẫn còn ở cao nguyên Doklam, Ấn Độ không nên tự mãn”. “Trung Quốc có thể xâm nhập vào nhiều khu vực khác, thậm chí là Doklam để tạo áp lực cho Ấn Độ” - ông Bakshi nhận định.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên quan đến tranh chấp biên giới hiện vẫn đang căng thẳng. Hồi tháng 6, 7 và 8, binh sĩ hai nước xảy ra xung đột tại cao nguyên Doklam, sau khi Bhutan đề nghị đồng minh lâu năm Ấn Độ điều quân ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực tranh chấp này.
Bắc Kinh và New Delhi sau đó đã đồng ý thỏa thuận “rút quân nhanh chóng”, mặc dù Ấn Độ tố Trung Quốc vẫn còn giữ quân ở khu vực căng thẳng này.
Tuần này, vòng đàm phán biên giới Ấn Độ-Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra ở New Delhi, với sự tham gia của cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Kumar Doval và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Bộ trưởng Ahir nhấn mạnh cuộc đàm phán này là hoạt động diễn ra thường niên nhằm “duy trì quan hệ với các nước láng giềng”.