Ăn gian chất lượng bình ắc quy, biến đất sét thành phân bón

Tại Hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam- Nguy cơ, thách thức và giải pháp" do  Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng Cục quản lí thị trường (QLTT) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức ngày 19-10, Công ty cổ phần pin ắc quy miền Nam nhận định: Tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh ắc quy nhập khẩu vẫn không giảm.

Đáng chú ý là một số DN nhập khẩu tìm cách ăn gian chất lượng, nhờ đó giảm giá mua vào, còn NTD bị thiệt thòi vì mua giá cao so với giá trị thật của sản phẩm.

Đại diện công ty pin ắc quy miền Nam dẫn chứng: Với bình ắc quy 12V-150Ah nhưng thực tế là bình ắc quy là 12V-135A. Hoặc một chiêu thức để giảm chất lượng là giảm hoạt tính trong ắc quy, khiến chất lượng, tuổi thọ bình ắc quy giảm mà NTD chỉ phát hiện sau một thời gian sử dụng.

Ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, kể năm 2012 tại tỉnh Hòa Bình bà con nông dân mua phải phân bón NPK-S 5.103-8 giả Lâm Thao bón cho cây bắp, sau thời gian bón phân cây bắp bị chết không thu hoạch được.

Bà con kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện một cơ sở ở Hà Nội làm giả từ đất sét và bột đá. Đối tượng đã vận chuyển bằng ô tô về các cửa hàng bán phân bón tại huyện Lạc Sơn-Hòa Bình với giá rẻ.

Theo ông Tuyến, một thủ đoạn khác nữa là các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ lấy bao bì phân bón Lâm Thao đã sử dụng sau đó cho phân bón của các công ty không có thương hiệu giá thấp vào bán cho người dân; dùng bột đá xám làm Supe Lâm Thao giả ở huyện Bình Chánh và tỉnh Đồng Nai gây thiệt hại cho người trồng cà phê.

Trong khi đó, ở góc độ quản lí nhà nước ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM  cho biết có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Các sản phẩm này được bày bán công khai, tràn lan.

Bên cạnh đó, kiểm tra tại một số chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các tuyến đường kinh doanh, QLTT thu giữ rất nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết là tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết không buôn bán hàng giả.

Quản lí thị trường TP.HCM phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện kho chứa hàng chứa máy lạnh...đã qua sử dụng ở quận Tân Phú 

Cùng nhìn nhận trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT cho rằng vấn nạn hàng giả đã được nói nhiều, hiện nay quan trọng là triển khai thực thi. Đặc biệt tăng cường trách nhiệm quản lí địa bàn, lĩnh vực phòng chống tiêu cực, lành mạnh hóa đội ngũ công chức thực thi.

Cụ thể là các đơn vị xây dựng tiêu chí cụ thể và giao trách nhiệm lãnh đạo, trách nhiệm quản lí địa bàn cụ thể tới từng cấp như Cục, Đội, tổ, công chức.

Xử lí nghiêm các trường hợp lãnh đạo, cán bộ công chức để xảy ra nạn hàng giả tại địa bàn quản lí mà có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lí, bao che, tiêu cực, bị dư luận phản ảnh nhiều.

“Đặc biệt tăng cường công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí đối với công chức cán bộ quản lí địa bàn để phòng ngừa tiêu cực, buông lỏng quản lí, bảo kê vi phạm...Đồng thời thanh tra giám sát phòng chống tiêu cực tham nhũng tại các đơn vị QLTT”, ông Linh nhấn mạnh.

 Hàng ngàn vụ vi phạm hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lí

Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 lực lượng QLTT phát hiện hơn 34.000 vụ vi phạm, xử lí vi phạm hành chính 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 907 tỷ đồng. Trong đó vi phạm về nhãn hàng hóa chiếm nhiều nhất với  26.300 vụ, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lí nhãn hiệu bao bì chiếm thứ hai với 6.154 vụ….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm