Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) góp ý: “Cần phải rút ra cái gọi là lệ mới, được sáng tạo bởi tòa là cái gì?”.
Theo ông Nghĩa, bản án, quyết định có các sự kiện pháp lý, tranh chấp gì cần nhận biết? Từ các sự kiện, tranh chấp này, vấn đề pháp lý, trục trặc pháp lý là gì? Tòa đã tìm luật như thế nào để giải quyết? Tòa phát hiện lỗ hổng pháp luật, mâu thuẫn pháp luật mà tòa cần giải thích, sáng tạo ra cách giải quyết là gì? Tòa đã lập luận ra sao để xây dựng luật lý, sáng tạo quy tắc giải quyết vụ án, lấp lỗ hổng pháp luật, gỡ rối từ văn bản quy phạm pháp luật hiện hành?
Phải có “thần thái” của án lệ
Đồng tình, PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: “35 bản án, quyết định mà TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến sa vào những sự vụ cụ thể, chưa khái quát hóa lên vấn đề, thiếu “thần thái” của án lệ”.
TS Đại đề nghị TAND Tối cao nên xây dựng án lệ chứ không phải lựa chọn án lệ như đang làm, đồng thời cần đầu tư vào đội ngũ xây dựng án lệ. Có thể chọn các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về pháp luật để bổ nhiệm làm thẩm phán tối cao. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND 2014 (bổ nhiệm thẩm phán tối cao đối với người ngoài ngành tòa án).
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Khi xuất bản, cần trích dẫn nguyên văn các lập luận, quyết định được lựa chọn làm án lệ, đồng thời nên có thêm ý kiến chuyên gia phân tích, bình luận. Những ý kiến này không có giá trị pháp lý nhưng hỗ trợ cho thẩm phán, luật sư... trong việc nhận định, quyết định áp dụng án lệ.
Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: PL
Khái quát thành các tình tiết bắt buộc
Theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM), cần phải viết lại án lệ trên nguyên tắc khái quát hóa vấn đề. Cần xác định những tình tiết bắt buộc trong án lệ. Ví dụ nếu án lệ A có hai tình tiết thì những vụ việc sau này có đủ hai tình tiết đó là phải áp dụng án lệ A. Phần lựa chọn làm án lệ sẽ không để nguyên tên đương sự mà tải thành một nội dung chủ đạo, có thể liệt kê các tình tiết bắt buộc để tạo hiệu quả khi áp dụng.
Bà Quỳ dẫn chứng bằng án lệ nổi tiếng Rylands v Fletcher (1868) của Anh: Rylands thuê một kỹ sư xây dựng một hồ nước trên mảnh đất của mình. Người kỹ sư đã cẩu thả để nước thoát ra gây ngập hầm mỏ của Fletcher. Sau khi Fletcher kiện người kỹ sư, tòa đã buộc người kỹ sư phải bồi thường thiệt hại cho ông.
Theo bà Quỳ, án lệ này có hai tình tiết xây hồ nước, làm nước thoát gây ngập là tình tiết bắt buộc, làm cơ sở áp dụng án lệ. Khi bản án được công bố và trở thành án lệ, phần nội dung được thể hiện như một nguyên tắc: “Người nào vì mục đích riêng, thực hiện bất kỳ một công trình nào trên đất của mình phải giữ rủi ro, thiệt hại trên đất của mình. Nếu không làm được điều đó, anh ta phải chịu trách nhiệm cho mọi thiệt hại do việc xây dựng công trình gây ra”.
Bà Quỳ cũng lưu ý án lệ này không chỉ áp dụng cho vấn đề liên quan đến công trình xây dựng mà còn có thể là vấn đề rò rỉ gas, dầu lửa, điện, chất nổ, hóa chất độc hại... gây thiệt hại cho người khác.
Bản án duy nhất được đề xuất lựa chọn làm án lệ PGS-TS Mai Hồng Quỳ nhận xét bản án duy nhất được đề xuất lựa chọn phát triển làm án lệ lần này (Bản án phúc thẩm số 553 ngày 14-9-2015 của TAND TP.HCM) là một trường hợp cụ thể của việc chuyển hóa các hình thức chiếm đoạt tài sản khi bị cáo đã thực hiện hành vi chiếm đoạt nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản. Đó là vụ lợi dụng lúc người quen là chủ xe máy đi tắm, Cao Trần Thị Hồng Thắm đã dắt trộm chiếc xe máy ra khỏi nhà. Lúc dắt xe ra, Thắm gặp chồng chủ xe nên vờ hỏi mượn xe đi mua đồ. Người chồng tưởng vợ đã đồng ý nên để Thắm lấy xe. Sau đó, Thắm đem xe đi cầm được 6 triệu đồng rồi bỏ trốn. Tháng 6-2015, TAND quận 12 (TP.HCM) xử sơ thẩm, phạt Thắm một năm sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên Thắm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhận định hành vi của Thắm ban đầu là trộm cắp nhưng sau đó đã chuyển hóa thành lừa đảo vì Thắm có hành vi gian dối khi hỏi mượn xe. “Theo tôi, nội dung vụ án rõ ràng, lập luận của HĐXX chặt chẽ, có cơ sở khoa học, có tính pháp lý và thuyết phục cao” - bà Quỳ đánh giá. Công khai bản án, quyết định trên tạp chí Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, dù quan điểm của lãnh đạo TAND Tối cao là không mã hóa tên tuổi, địa chỉ... của cá nhân, tổ chức liên quan trong án lệ nhưng vấn đề này vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi tại hội thảo. Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, các góp ý về vấn đề này sẽ được TAND Tối cao tiếp thu, bàn bạc. Sắp tới, ngoài việc phát hành các tập án lệ đầu tiên, TAND Tối cao cũng sẽ giới thiệu song song các bản án, quyết định giám đốc thẩm trên các tạp chí của ngành để từ đó lựa chọn phát triển án lệ. Mỗi quý TAND Tối cao sẽ tổ chức hội nghị để hội đồng tư vấn lựa chọn án lệ một lần. |