Có nên mã hóa nhân vật trong án lệ?

Một lần nữa vấn đề này lại tiếp tục gây tranh cãi, đặc biệt là đối với án hình sự, hôn nhân gia đình, thương mại. Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và xin giới thiệu tới bạn đọc.

Do thẩm phán viết án lệ quyết định

Nước ta chỉ có án lệ từ khi người Pháp đưa pháp luật phương Tây vào. Trên thế giới không có nước nào cần TAND Tối cao tuyên bố một bản án là án lệ thì bản án đó mới trở thành án lệ cả. Bởi lẽ bản án của tòa án cấp cao nhất đương nhiên là án lệ.

Theo tôi, việc có viết tắt tên, giấu địa chỉ... của bị cáo, đương sự trong án lệ hay không là do quyết định của thẩm phán viết ra bản án lệ đó. Họ sẽ quyết định có đăng công khai hay chỉ phổ biến trong nội bộ tòa án. Nếu là những vụ về người chưa thành niên, về tình dục, bí mật thương mại..., thẩm phán có thể đề nghị phải viết tắt tên, giấu địa chỉ của bị cáo, đương sự..., còn nói chung thì không.

Ông NGÔ CƯỜNG, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao

Là căn cứ thì phải có thật

Ở ta, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa về một vụ việc cụ thể, được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Một khi án lệ là căn cứ cho thẩm phán tham khảo, vận dụng để xét xử thì căn cứ đó phải có thật, không được chỉnh sửa gì, kể cả các chi tiết như tên tuổi, địa chỉ... của nhân vật trong vụ án. Nếu thay đổi, sửa chữa sẽ làm sai lệch sự thật.

Bản án có hiệu lực được tòa phát hành công khai khi được chọn thành án lệ thì ngay cả những người tiến hành tố tụng trong vụ án đó cũng phải nêu đích danh tên. Ở đây hoàn toàn không có chuyện xâm phạm quyền nhân thân nên không cần phải xin ý kiến của họ hoặc mã hóa tên tuổi, địa chỉ của họ. Nghiên cứu án lệ của Mỹ thì thấy họ cũng giữ nguyên chứ không mã hóa.

Thẩm phán VŨ VIẾT NĂNG, Chánh án TAND huyện Hải Hậu, Nam Định

Tội phạm cũng có tương lai

Tôi nghĩ cần thiết viết tắt tên, giấu địa chỉ của các nhân vật trong án lệ, nhất là án hình sự. Bởi lẽ án lệ được sử dụng lâu dài, lưu truyền rộng rãi, còn người chấp hành xong hình phạt thì muốn xóa án tích, làm lại cuộc đời. Khi đó nếu tên tuổi, địa chỉ... trong án lệ quá rõ ràng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và người thân khiến họ khó hòa nhập cộng đồng. Thánh nhân cũng có quá khứ, tội phạm cũng có tương lai mà.

Án dân sự, hôn nhân gia đình và thương mại cũng thế. Việc mã hóa tên tuổi, địa chỉ... của cá nhân hay đặc điểm nhận dạng pháp nhân không làm ảnh hưởng đến tình tiết, tính chất nội dung của vụ án, đồng thời còn thể hiện tính nhân văn vì bảo vệ được quyền riêng tư của công dân hay bí mật kinh doanh, uy tín thương hiệu của pháp nhân.

Luật gia ĐỒNG MẠNH HÙNG, Công ty Luật Phạm Nghiêm

Mã hóa không ảnh hưởng tới án lệ

Khi đã chấp hành xong hậu quả pháp lý, xét dưới góc độ tâm lý, nhân vật trong bản án thường không muốn nhắc lại những chuyện đã qua. Quyền được tôn trọng tự do riêng tư là một phạm trù cơ bản của quyền con người, do vậy chúng ta cần tôn trọng một cách triệt để quyền này.

Mặt khác, án lệ làm khuôn mẫu cho các cấp tòa áp dụng khi xử lý các tình huống tương tự về sau. Do vậy, giá trị cốt lõi của án lệ là các lập luận, quan điểm xét xử của tòa về các tình tiết, sự kiện pháp lý chứ đâu liên quan gì đến họ tên, địa chỉ... của nhân vật trong vụ án đó. Theo tôi, chúng ta nên mã hóa tên tuổi, địa chỉ... của nhân vật. Chất lượng của án lệ nằm ở đường lối xét xử, lập luận và phán quyết chứ không nằm ở cái tên, cái tuổi, cái địa chỉ của nhân vật.

ThS TỪ THANH THẢO, Trường ĐH Luật TP.HCM

Không được phép

Tôi cho rằng không phải nên hay không nên công khai thông tin cá nhân của bị cáo, đương sự trong án lệ mà là không được phép.

Ngày nay thông tin của cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng quan trọng với đời sống cá nhân và hoạt động xã hội, kinh doanh của họ. Ngày xưa người ta có thể nêu tên người phạm tội, đương sự trước công chúng nhưng khi đó nó chỉ có sự lan tỏa trong phạm vi làng xã. Nay, một cái tên gắn với một địa chỉ cụ thể sẽ là toàn bộ thông tin về nhân thân, tài sản, hoạt động kinh doanh và xã hội của chủ thể đó. Mà những thông tin này được pháp luật bảo vệ. Muốn công khai phải có sự đồng ý của họ.

Chúng ta thường nghĩ rằng tòa án xét xử công khai nên những thông tin trong bản án sẽ phải được công khai. Đây là sự ngộ nhận bởi việc công khai thông tin, bản án tại phiên tòa là thẩm quyền của hội đồng xét xử, được pháp luật quy định. Ngoài phiên tòa, việc công khai thông tin của bị cáo, đương sự chưa được pháp luật quy định. Bị cáo, đương sự có quyền đối với thông tin về nhân thân, tài sản, hoạt động kinh doanh và xã hội của họ. Và các quyền này được pháp luật bảo vệ.

Có ý kiến cho rằng việc công khai thông tin của bị cáo, đương sự trong án lệ là tôn trọng sự thật. Điều này có sự ngộ nhận giữa một bản án cụ thể với án lệ. Bởi chúng ta đã minh định rõ bản án cụ thể chỉ là nguồn của án lệ. Tức những nội dung, lập luận, nhận định, kết luận, phán quyết của bản án đó có tính đặc trưng nên được rút ra, được xem là án lệ. Vậy nên án lệ là nội dung được rút ra từ bản án chứ không phải là những “thông tin thuần” trong bản án.

Có ý kiến cho rằng làm sao để tin rằng những cái tên A, B, C, địa chỉ X, Y, Z đảm bảo là sự thật? Theo tôi, án lệ được TAND Tối cao chọn lọc từ các bản án cụ thể, theo một quy trình rất chặt chẽ. Do đó, TAND Tối cao là nơi nắm giữ thông tin về nguồn của án lệ, có đủ tư cách và cơ chế để bảo quản, bảo mật thông tin về bị cáo, đương sự, đảm bảo những thông tin đã được mã hóa trong án lệ là đúng sự thật.

Luật sư NGUYỄN TẤN THI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Lấy tên bị cáo đặt cho án lệ

Án lệ nước ngoài không mã hóa tên tuổi, địa chỉ… của bị cáo, đương sự. Thậm chí có án lệ còn được đặt tên bởi tên của nhân vật trong vụ án, chẳng hạn như án lệ nổi tiếng Miranda ở Mỹ.

Án lệ này bắt đầu từ việc năm 1963, cảnh sát TP Phoenix (bang Arizona) bắt giữ, cáo buộc Ernesto Miranda với ba tội danh là bắt cóc, hiếp dâm, trộm cắp. Khi thẩm vấn, cảnh sát không nói trước với Miranda về các quyền của nghi can. Buổi thẩm vấn cũng không có mặt luật sư (LS) dù Miranda chưa học hết lớp 9 và có tiền sử tâm thần bất ổn. Sau đó, hồ sơ cảnh sát ghi nhận rằng Miranda nhận tội.

Hồ sơ xét xử Miranda chỉ bao gồm những lời thú tội. Cuối cùng, Miranda bị Tòa án TP Phoenix kết tội bắt cóc và hiếp dâm (tổng hợp mức án là 30 năm tù). Miranda kháng án lên Tòa án bang Arizona nhưng bị bác đơn. Miranda tiếp tục kháng án đến Tòa Tối cao Mỹ và vụ án đã được xử lại vào năm 1966.

Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ được viết bởi Chánh án Earl Warren ghi nhận: Những lời thú tội của nghi can không thể được dùng làm bằng chứng trước tòa vì ngay từ đầu cảnh sát đã không thông báo cho nghi can những quyền được ghi nhận trong Tu chính án thứ 5 và Tu chính án thứ 6 của Hiến pháp Hoa Kỳ (nghi can có quyền được chống lại việc tự buộc tội; có quyền có LS đại diện).

Quyền của nghi can được chống lại việc tự buộc tội là một phần của hệ thống luật Anh-Mỹ như một phương tiện để hạn chế sự lạm quyền của các viên chức trong việc bắt giữ nghi phạm. Quyền được có LS đại diện cũng có tầm quan trọng tương tự vì sự có mặt của LS trong các buổi thẩm vấn cho phép nghi can có thể kể lại sự việc một cách chính xác, không sợ hãi, đồng thời xóa bỏ những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thẩm vấn.

Để bảo đảm các quyền này, cảnh sát bắt buộc phải nói với nghi can khi bắt giữ và thẩm vấn rằng anh ta “có quyền được giữ im lặng” và “tất cả những gì nói ra có thể và sẽ được sử dụng để làm bằng chứng chống lại anh ta trước tòa”. Cảnh sát còn phải thông báo với nghi can quyền được có LS và cho phép LS cùng tham gia buổi thẩm vấn. Vì Miranda không được thông báo về các quyền này nên lời thú tội của ông ta không hợp hiến, do đó việc buộc tội là không có cơ sở...

TUỆ MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm