Tháng 3-2010, vợ chồng cụ Trần Thị Xăng kiện chị Phan Thị Cẩm Vân (cháu ngoại) ra TAND huyện Đức Hòa (Long An) để đòi lại nhà đất. Trong đơn khởi kiện, vợ chồng cụ Xăng trình bày rằng hai cụ già yếu, không còn sức lao động nên cho chị Vân về sống chung. Chị Vân hứa sẽ chăm sóc, phụng dưỡng hai cụ đến khi qua đời. Vì vậy, tháng 5-2007, hai cụ đã làm hợp đồng tặng cho chị Vân toàn bộ 297 m2 đất cùng nhà cửa gắn liền với đất (trong hợp đồng không ghi điều kiện phụng dưỡng - NV).
Bên bảo không phụng dưỡng, bên nói có
Theo vợ chồng cụ Xăng, sau khi tặng cho nhà đất thì chị Vân ngược đãi, đánh đuổi hai cụ ra khỏi nhà, không nuôi dưỡng hai cụ như lời hứa ban đầu. Hiện hai cụ không có nơi nương tựa nên yêu cầu chị Vân trả lại nhà đất.
Làm việc với TAND huyện Đức Hòa, chị Vân nói việc vợ chồng cụ Xăng cho chị nhà đất có làm hợp đồng tặng cho theo quy định của pháp luật. Từ trước khi cho đất cũng như sau khi cho nhà đất, hai cụ sống chung với vợ chồng chị. Nay do những lời xúi giục, tác động của người khác, hai cụ trở ngược đòi lấy lại đất với lý do chị ngược đãi là sai sự thật. Do đó, chị không đồng ý trả lại nhà đất.
Tháng 8-2010, TAND huyện Đức Hòa (Long An) đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng cụ Xăng. Vợ chồng cụ Xăng kháng cáo. Tháng 12-2010, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, buộc vợ chồng chị Vân phải trả lại toàn bộ nhà đất cho vợ chồng cụ Xăng.
Tháng 11-2011, viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm lại.
Phải xem xét quyền lợi của hai cụ
Tại phiên họp giám đốc thẩm sau đó, Hội đồng Giám đốc thẩm Tòa Dân sự TAND Tối cao nhận định:
Chị Vân đã làm thủ tục chuyển dịch tài sản từ vợ chồng cụ Xăng sang chị và tháng 6-2007, chị được UBND huyện Đức Hòa cấp giấy đỏ. Theo quy định của BLDS, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng cụ Xăng với chị Vân là hợp pháp và các bên đã thực hiện xong, chị Vân có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tòa cấp sơ thẩm bác yêu cầu đòi lại nhà đất của vợ chồng cụ Xăng là có căn cứ, tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu đòi tài sản của vợ chồng cụ Xăng là không có căn cứ.
Tuy hợp đồng tặng cho nhà đất giữa hai bên không quy định về điều kiện của vợ chồng cụ Xăng đối với chị Vân nhưng thực tế ngoài nhà đất đã tặng cho chị Vân thì vợ chồng cụ Xăng không còn nhà đất nào khác. Do đó, lời khai của vợ chồng cụ Xăng về điều kiện hai cụ đặt ra khi cho nhà đất là chị Vân phải chăm sóc, phụng dưỡng, hiếu kính đối với hai cụ là có cơ sở và cũng phù hợp với tập quán đạo đức xã hội.
Mặt khác, vợ chồng cụ Xăng và gia đình chị Vân vẫn chung hộ tịch, do cụ Xăng là chủ hộ nên theo quy định của Luật Người cao tuổi 2009 và Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 thì hai cụ có quyền được đảm bảo về chỗ ở, có quyền quyết định sống chung với con cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà ngoại. Do đó, việc tòa cấp sơ thẩm nhận xét rằng chị Vân vẫn tha thiết mong ông bà sống vui vẻ với chị, vẫn làm tròn trách nhiệm của người cháu đối với ông bà cho đến khi ông bà qua đời mà không ràng buộc pháp lý bằng quyết định của bản án đối với chị là không đúng. Bởi sự tự nguyện này của chị Vân vừa là trách nhiệm pháp lý theo luật định, vừa là trách nhiệm theo đạo lý.
Vì vậy, Hội đồng Giám đốc thẩm xét thấy cần phải hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho vợ chồng cụ Xăng. Nếu vợ chồng cụ Xăng yêu cầu được sống riêng thì cần buộc chị Vân dành cho hai cụ một diện tích nhà đất hợp lý để hai cụ sống độc lập tại nhà đất nói trên cho đến khi hai cụ qua đời (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phần dành cho hai cụ vẫn thuộc về chị Vân)...
Hợp tình hợp lý
Luật sư Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nội dung TAND Tối cao đề xuất làm án lệ trong vụ án trên là hợp tình hợp lý vì vừa bảo vệ được nguyên tắc của pháp luật, vừa đảm bảo được an sinh xã hội. Vụ án tưởng đơn giản nhưng quy định pháp luật chưa bao quát hết thực tế. Nếu không có án lệ, khi xảy ra những vụ việc tương tự thì sẽ tiếp tục lặp lại chuyện tòa các cấp có quan điểm khác nhau, phán quyết trái ngược nhau. Các bản án sẽ tiếp tục bị sửa đi hủy lại, mất rất nhiều thời gian, công sức của cả người dân lẫn hệ thống tòa án.
Đi vào cụ thể, luật sư Vĩnh nhận xét việc tặng cho nhà đất giữa vợ chồng cụ Xăng và chị Vân đã được hoàn tất theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Nếu chỉ căn cứ vào hợp đồng tặng cho như tòa sơ thẩm mà bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì rõ ràng đã bỏ sót quyền lợi của vợ chồng cụ Xăng. Bởi lẽ ngoài hợp đồng tặng cho bằng văn bản, ở đây còn tồn tại một hợp đồng miệng được hai bên thừa nhận. Lời cam kết phụng dưỡng vợ chồng cụ Xăng của chị Vân phù hợp với đạo đức xã hội nên cần có sự ràng buộc pháp lý bằng phán quyết của tòa. Trong trường hợp vợ chồng cụ Xăng muốn sống riêng thì cũng phải có giải pháp hợp lý như Hội đồng Giám đốc thẩm đã chỉ ra.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng ủng hộ đề xuất phát triển án lệ này. Theo luật sư Thi, khi vợ chồng cụ Xăng quyết định cho chị Vân nhà đất duy nhất của họ thì đương nhiên phải hiểu rằng điều kiện của hai cụ là được chăm sóc khi về già. Như vậy, hướng giải quyết của Hội đồng Giám đốc thẩm đảm bảo được quyền lợi của hai cụ, phù hợp với đạo đức xã hội.
Chỉ xét trong phạm vi yêu cầu khởi kiện? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Chu Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có ý kiến khác. Theo ông, quan hệ tặng cho và việc chăm sóc ông bà là hai việc khác nhau. Tòa chỉ giải quyết vấn đề đương sự yêu cầu. Ở đây, vợ chồng cụ Xăng chỉ yêu cầu đòi lại nhà đất nên tòa hoặc chấp nhận hoặc không. Nếu tuyên án theo hướng khác là vượt quá yêu cầu khởi kiện, vi phạm tố tụng. Một nguyên thẩm phán TAND Tối cao thì nhận xét: Nếu sử dụng nhận định của Hội đồng Giám đốc thẩm trong vụ án trên để phát triển thành án lệ cũng có thể được. Tuy nhiên, phần nhận định này nên diễn đạt lại cho dễ hiểu hơn, rõ ràng hơn nữa. “Phải làm thế nào để khi vừa đọc lên, người ta biết ngay đó là án lệ” - vị này nói. |