Án lệ, áp dụng thế nào?

Khi nói về án lệ, chúng ta thường nghe nói án lệ bao gồm án lệ ràng buộc và án lệ thuyết phục (hoặc án lệ minh họa).

Các dạng án lệ

Án lệ ràng buộc bao gồm án lệ giải thích và án lệ quy phạm, là loại án lệ mà các thẩm phán cần phải tuân theo khi xét xử những vụ án tương tự.

Trong đó, án lệ giải thích là những lập luận được nêu ra trong bản án nhằm giải thích rõ một quy định của điều luật vốn chưa rõ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ: Khi quyết định khoản bồi thường thiệt hại về tính mạng trong một vụ án, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã không chấp nhận yêu cầu thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện máy bay của gia đình nạn nhân từ Hà Nội vào Đà Lạt để tổ chức tang lễ cho nạn nhân. Tuy nhiên, trong quyết định giám đốc thẩm, Tòa án Tối cao đã lập luận rằng chi phí đi lại cho gia đình nạn nhân (bao gồm: Vợ, chồng, cha mẹ ruột, con ruột, anh chị em ruột của nạn nhân) tham dự tang lễ cần được coi là “chi phí hợp lý cho việc mai táng”. Trong trường hợp cụ thể của vụ án này, địa phương X ở Đà Lạt không có điều kiện bảo quản thi hài nên việc gia đình nạn nhân phải đi máy bay vào để kịp tổ chức tang lễ cho nạn nhân là hợp lý. Lập luận này đã giải thích rõ “chi phí hợp lý cho việc mai táng” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 610 BLDS 2005.

Còn án lệ quy phạm là những lập luận được nêu ra trong bản án nhằm đưa ra một quy định bổ sung cho điều luật (trong trường hợp điều luật chưa quy định). Ví dụ: A lái xe gây tai nạn làm B chết. Sau đó, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm xét xử A bên cạnh phần hình phạt thì đều buộc A phải cấp dưỡng cho hai người con chưa thành niên của B kể từ ngày xét xử sơ thẩm. Khi giám đốc thẩm, Tòa án Tối cao đã lập luận rằng dù khoản 2 Điều 612 BLDS 2005 không quy định thời điểm A phải trả tiền trợ cấp cho những người mà nạn nhân phải nuôi dưỡng nhưng rõ ràng quy định của điều luật là nhằm buộc bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ thời điểm mà nhu cầu cấp dưỡng phát sinh. Trong vụ án này, thời điểm phát sinh nhu cầu đó là ngày nạn nhân bị chết chứ không phải ngày xét xử sơ thẩm. Như vậy, án lệ này đã đưa ra một “quy định bổ sung” cho quy định trong điều luật: Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là ngày mà nhu cầu cấp dưỡng phát sinh.

Ngoài ra, một dạng khác của án lệ là án lệ thuyết phục (hoặc án lệ minh họa). Loại án lệ này chỉ có ý nghĩa tham khảo, hướng dẫn các tòa án cấp dưới áp dụng cho đúng những điều luật đã rõ hoặc những án lệ giải thích, án lệ quy phạm chứ không có tính ràng buộc khi xét xử.

Án lệ được hình thành trong quá trình giải quyết vụ án từ tòa cấp sơ thẩm, tòa cấp phúc thẩm đến Tòa án Tối cao. Ảnh: HTD

Án lệ cần dễ hiểu

Từ đó, chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa về án lệ như sau: Án lệ là những lập luận, những nguyên tắc pháp lý được nêu ra trong bản án của Tòa án Tối cao nhằm giải thích một quy định của điều luật (trong trường hợp điều luật quy định không rõ ràng) hoặc đưa ra một quy định bổ sung cho quy định của điều luật (trong trường hợp điều luật chưa quy định).

Án lệ được hình thành trong quá trình giải quyết vụ án từ tòa cấp sơ thẩm, tòa cấp phúc thẩm đến Tòa án Tối cao. Tòa án Tối cao với vai trò và vị trí của mình sẽ sửa sai trong việc giải thích và áp dụng pháp luật của các tòa án cấp dưới. Những lập luận trong bản án của Tòa án Tối cao sẽ tạo thành án lệ. Như ở phần lớn các quốc gia trên thế giới cho thấy bản án của Tòa án Tối cao đương nhiên là án lệ chỉ vì nó là bản án của Tòa án Tối cao mà không cần phải có một thủ tục tuyên bố đó là án lệ.

Tuy nhiên, để hình thành án lệ thì bản án phải “viết ra” án lệ bằng một ngôn ngữ dễ hiểu và ai cũng có thể “đọc ra” án lệ. Nếu không thực hiện được điều này thì bản án của Tòa án Tối cao không tạo ra án lệ mà chỉ đơn thuần là hủy hoặc sửa bản án của tòa án cấp dưới bị khiếu nại mà thôi.

Trong thực tế không có những vụ án hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, án lệ sẽ được các thẩm phán áp dụng cho những vụ án tương tự. Trong các vụ án tương tự này, thẩm phán sẽ phải phân tích để áp dụng án lệ cho hợp lý.

Có phần giới thiệu về vụ án

Khi công bố một án lệ, thông thường người ta đều có một đoạn giới thiệu tổng quan về vụ án đó.

Chẳng hạn ở Australia, trước khi đăng toàn văn bản án sẽ có một đoạn mô tả ngắn gọn về nội dung vụ án và các vấn đề pháp luật phát sinh trong vụ án đó. Ví dụ: “Hai doanh nhân ký một hợp đồng. Doanh nhân A đồng ý bán cho doanh nhân B một số lượng lớn máy tính. Sau khi số máy tính đó rời khỏi kho của doanh nhân A, xe tải vận chuyển số máy tính đó đến doanh nhân B bị tai nạn dẫn đến tất cả số máy tính trên đã bị phá hỏng. Bản án này liên quan đến câu hỏi liệu bên bán có phải thanh toán cho hàng hóa đó bởi vì hàng hóa đó đã bị phá hủy trong quá trình vận chuyển hay không?”. Một sự giới thiệu như vậy cung cấp cho người đọc đầy đủ thông tin nhưng lại không quá chi tiết, dễ hiểu khi nào thì bắt đầu đọc bản án, án lệ là về cái gì.

Còn ở Nhật Bản, Tòa án Tối cao có một ủy ban biên tập án lệ, làm nhiệm vụ đọc bản án để phân loại án lệ (án lệ giải thích, án lệ quy phạm, án lệ minh họa), giới thiệu ngắn gọn nội dung vụ án và lập luận của bản án trước khi đăng toàn văn bản án. Công việc của ủy ban này đơn thuần là công việc hành chính, không có sự viết thêm hoặc viết khác với phần lập luận (là án lệ) trong bản án. Điều này giúp cho người đọc dễ dàng nhận biết bản án đưa ra án lệ về vấn đề gì trước khi đọc bản án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm