Ngày 29-12, TAND Tối cao đã tổ chức hội nghị giới thiệu nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trước đó, ngày 19-10, sau khi thống nhất với viện trưởng VKSND Tối cao và bộ trưởng Bộ Tư pháp, TAND Tối cao đã thông qua nghị quyết gồm 10 điều với các nội dung: Khái niệm về án lệ, tiêu chí lựa chọn án lệ, hội đồng tư vấn án lệ, thông qua án lệ, công bố án lệ… Trên cơ sở nghị quyết này, TAND Tối cao sẽ triển khai lựa chọn, ban hành tập án lệ đầu tiên trong thời gian tới.
Ba tiêu chí để lựa chọn án lệ
Theo nghị quyết, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau:
Thứ nhất, án lệ phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể.
Thứ hai, án lệ phải có tính chuẩn mực.
Thứ ba, án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Thẩm phán vẫn có thể không áp dụng án lệ nếu có quan điểm khác nhưng phải đưa ra lập luận cụ thể, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa. Ảnh: HTD
Có thể xử khác án lệ
Thời điểm án lệ có hiệu lực áp dụng, theo nghị quyết, là sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của chánh án TAND Tối cao. Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.
Về nội dung này, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn giải thích: Án lệ chỉ xuất hiện khi có tranh chấp chưa được luật quy định cụ thể hoặc có quy định nhưng có quan điểm trái nhau trong việc vận dụng. Do vậy, đã có án lệ thì bắt buộc các thẩm phán phải áp dụng để giải quyết các tranh chấp tương tự.
Theo ông Sơn, thẩm phán vẫn có thể không áp dụng án lệ nếu có quan điểm khác nhưng phải đưa ra lập luận cụ thể, rõ ràng, xác đáng, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa. Bên cạnh đó, khi không áp dụng án lệ vì có quan điểm khác mà có căn cứ pháp lý thì thẩm phán phải có nghĩa vụ gửi văn bản kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ án lệ cho TAND Tối cao ngay sau khi xét xử.
Trong trường hợp do có sự thay đổi của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ. Trường hợp do chuyển biến của tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xem xét, hủy bỏ án lệ.
Mã hóa hay giữ nguyên tên, địa chỉ đương sự? Tại hội nghị, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là với bản án được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn làm án lệ thì nên giữ nguyên bản án gốc hay cần mã hóa để tránh xâm phạm quyền nhân thân của đương sự? Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), án lệ được lựa chọn và công bố rộng rãi, có giá trị áp dụng lâu dài nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyền nhân thân của đương sự. Nhiều người dân, nhất là các doanh nghiệp rất không muốn thông tin về tên họ của mình, tên doanh nghiệp được đưa vào án lệ. Như vậy, có thể xem xét việc mã hóa các thông tin về nhân thân như viết tắt, viết ký tự… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khi mã hóa các thông tin của đương sự, chẳng hạn vụ án có vài đương sự trùng tên Đ. Khi mã hóa, xem nội dung án lệ mà cứ hết ông Đ. này đến ông Đ. kia thì người đọc sẽ không hiểu. Đồng tình, Thẩm phán Phan Gia Quý (Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM) nói với các doanh nghiệp việc xảy ra xung đột, tranh chấp trong làm ăn là điều bình thường, nếu chúng ta không mã hóa tên doanh nghiệp trong án lệ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của họ. Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, quan điểm cá nhân của ông là pháp luật quy định bản án phải được công khai nên không cần thiết mã hóa thông tin đương sự. Việc mã hóa nếu không cẩn thận sẽ làm người xem khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn. Giữ nguyên nội dung bản án Một vấn đề khác cũng gây nhiều chú ý là nên giữ nguyên nội dung bản án được chọn làm án lệ hay tóm tắt, biên tập lại nội dung tranh chấp, nội dung bản án? PGS-TS Đỗ Văn Đại và Thẩm phán Lê Thị Hiền (TAND tỉnh Khánh Hòa) đều cho rằng cần giữ nguyên bản án gốc khi đưa vào án lệ. Bản án gốc cần được tôn trọng vì thể hiện rõ ràng nội dung tranh chấp, quan điểm, lập luận của HĐXX, căn cứ để HĐXX phán quyết. Mặt khác, nếu tóm tắt, biên tập lại dễ dẫn đến khả năng thiếu sót về nội dung, làm cho người đọc khó hiểu. Nếu có biên tập thì chỉ nên biên tập về chính tả, dấu chấm, phẩy, còn lại phải giữ nguyên. Đồng tình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn nói bản án gốc thế nào thì để nguyên như thế đó vì nếu biên tập lại sẽ mang ý kiến chủ quan của người biên tập. |