Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết nghị quyết gồm 10 điều, trong đó Điều 1 hướng dẫn về khái niệm án lệ và giá trị pháp lý của án lệ. Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Nghị quyết cũng hướng dẫn các tiêu chí lựa chọn án lệ, theo đó, án lệ phải đáp ứng được ba tiêu chí:
Thứ nhất, án lệ phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể.
Thứ hai, án lệ phải có tính chuẩn mực.
Thứ ba, án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành định kỳ sáu tháng.
Nghị quyết cũng dành một điều hướng dẫn về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử. Theo đó, thời điểm án lệ có hiệu lực áp dụng là sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ghi trong quyết định công bố án lệ của chánh án TAND Tối cao.
Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của tòa án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án.
Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 16-12.