Bốn tháng nữa sẽ trình tập án lệ đầu tiên

Theo TAND Tối cao, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể, được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Bốn tháng nữa sẽ trình tập án lệ đầu tiên ảnh 1

Ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao (giữa) và ông Lê Văn Minh -Viện trưởng Viện Khoa học xét xử tại buổi họp báo. Ảnh: ĐM

Án lệ của tòa dưới, tòa trên phải áp dụng

. Phóng viên: án lệ có giá trị tham khảo hay bắt buộc áp dụng?

+ Ông Lê Văn Minh (Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TAND Tối cao): Có thể hiểu là gần như có giá trị bắt buộc. Tôi nói “gần như” chứ không phải tuyệt đối. Điều 8 nghị quyết quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử nói rõ: Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau… Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án.

 . Phán quyết của tòa án cấp huyện được lựa chọn là án lệ có giá trị ràng buộc với tòa án cấp trên hay không, thưa ông?

+ Nó có giá trị ràng buộc nếu nó được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và phát triển thành án lệ. Dù là bản án của tòa án cấp huyện nhưng đã qua quy trình sàng lọc, lựa chọn, qua quyết định của Hội đồng Thẩm phán thì chúng ta có thể coi đó là “sản phẩm” của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và nó có giá trị áp dụng đối với tất cả tòa án.

Định kỳ sáu tháng trình án lệ một lần

. Nghị quyết này có hiệu lực từ 16-12-2015, vậy khi nào chánh án TAND Tối cao sẽ công bố tập án lệ đầu tiên?

+ Trước khi ban hành nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, TAND Tối cao có đề án trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, trong đó nói rõ những việc và giải pháp phải thực hiện. Chánh án TAND Tối cao đã giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu trước một bước các bản án, quyết định của tòa án, tập trung vào những việc thực tiễn xét xử đang có nhiều vướng mắc, bất cập.

Theo nghị quyết, việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành định kỳ sáu tháng. Chúng tôi sẽ cố gắng 3-4 tháng nữa sẽ có đợt trình Hội đồng Thẩm phán đầu tiên.

. Nhưng thưa ông, nhiều người lo ngại với năng lực của thẩm phán hiện nay thì việc áp dụng án lệ sẽ gặp khó khăn?

+ Các nước thì có thể có khó khăn thật vì những nước theo thông luật không có quy trình nào cả. Quá trình xét xử hoặc giải quyết các vụ việc cụ thể, luật sư hoặc các bên có thể viện dẫn các lý do, lập luận phán quyết của tòa án cấp trên đã xử những vụ án trước đó và cho rằng đó là án lệ thì lúc đó HĐXX cân nhắc. Còn chúng ta thông qua lăng kính, qua cuộc tuyển chọn của Hội đồng Thẩm phán để chỉ ra cái gì là án lệ, hay giải pháp pháp lý đối với vụ việc này, vấn đề này là thế nào… thì không có gì khó khăn. Chỉ cần thẩm phán thường xuyên cập nhật thông tin công bố và ban hành án lệ mà chúng tôi đã có hướng dẫn trong nghị quyết này.

. Xin cám ơn ông.

Sẽ chấm dứt chuyện mỗi tòa một kiểu

Thực tế có những vụ án nội dung tương tự nhau nhưng tòa án này xử khác, tòa án kia xử khác. Thậm chí cùng một tòa án thụ lý giải quyết nhưng thẩm phán này xử khác, thẩm phán kia xử khác. Người dân không hiểu thế nào là chuẩn mực.

Chúng tôi mong muốn được ban hành án lệ để từ đó các vụ án có hành vi và tính chất tương tự thì đường lối áp dụng phải như nhau. Áp dụng án lệ giúp minh bạch trong hoạt động tư pháp.

Khi án lệ được ban hành, người dân có thể biết và thấy rằng các quan hệ xã hội có tính chất tương tự, cái gì là tội phạm, mức độ phạm tội đến đâu… Chúng tôi rất mong muốn được ban hành án lệ để tất cả thẩm phán khi nhìn vào án lệ, các nội dung lập luận của án lệ tương tự vụ án mình đang giải quyết thì có thể thống nhất quan điểm, đường lối xử lý. Án lệ giúp thẩm phán vận dụng dễ dàng, tức là nó đã thành khuôn mẫu thì cứ thế mà làm, cứ áp dụng đúng như vậy.

Ông NGUYỄN SƠN, Phó Chánh án TAND Tối cao

Tiêu điểm

Ba tiêu chí lựa chọn án lệ

Thứ nhất, án lệ phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể.

Thứ hai, án lệ phải có tính chuẩn mực.

Thứ ba, án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Việc hủy bỏ, thay thế án lệ: Trường hợp pháp luật thay đổi mà án lệ không còn phù hợp thì án lệ đương nhiên bị hủy bỏ. Trường hợp do chuyển biến của tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có trách nhiệm xem xét hủy bỏ án lệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm