Dù ở một số nước trên thế giới, án lệ đã được áp dụng từ lâu nhưng ở Việt Nam thì còn rất mới mẻ. Vì vậy, sau khi TAND Tối cao giới thiệu nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, ngoài vấn đề mã hóa tên, địa chỉ của đương sự trong án lệ, việc có nên biên tập lại nội dung (tranh chấp, các tình tiết...) của án lệ cho ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu hơn... cũng đang gây nhiều tranh cãi. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu của các chuyên gia.
Giữ nguyên để tránh gây hiểu nhầm?
Thẩm phán Nguyễn Công Phú (Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM) ủng hộ việc giữ nguyên bản án gốc được chọn làm án lệ. Ông lý giải: Dù bản án gốc có dài dòng… hay không thì thẩm phán vẫn đủ trình độ đọc để biết vụ án mình đang giải quyết có tương tự hay không; nhận định, lập luận và phán quyết của HĐXX trong bản án gốc là gì... Còn nếu biên tập lại, bản án gốc đó sẽ mang tính chủ quan của người biên tập vì bị lược bớt một số tình tiết, dễ làm người đọc hiểu không chính xác, có thể dẫn đến việc vận dụng trong một hoàn cảnh khác.
Đồng tình, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Bản án lệ rất quan trọng cả về hình thức và nội dung, về cách viết, cách lập luận, căn cứ pháp luật nên tất cả phải để nguyên thủy, không thể chỉnh sửa. Vốn dĩ yêu cầu của một bản án đã là ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, dễ đọc rồi. Phải để nguyên bản án gốc để cho thấy căn cứ của các cấp tòa nhận định, đánh giá như thế nào. “Đã là mẫu thì không thể làm sai lệch đi được. Nếu cho rằng cần phải biên tập các chi tiết “râu ria”, thừa, không quan trọng trong quá trình giải quyết án, vậy tại sao những chi tiết đó không cần thiết lại đưa vào bản án để làm gì? Còn một khi đã đưa vào thì phải để nguyên để các thẩm phán tham khảo” - ông Nghiêm nói.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhấn mạnh: Phần nội dung của bản án được chọn làm án lệ cực kỳ quan trọng. Rút gọn bản án thì phải điều chỉnh theo ý chí chủ quan của người biên tập, mất đi tính khách quan. Trong khi xét xử, HĐXX tuyên bản án đó đã cân nhắc những tình tiết liên quan. Các tình tiết đó dù nhỏ nhưng nhiều khi ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, ví dụ nếu như không được đưa vào bản án thì sẽ dễ nhầm lẫn vụ này với vụ khác. Nếu cắt bớt đi, thẩm phán xử sau có thể sẽ không hiểu tại sao HĐXX trong trường hợp đó lại tuyên như vậy...
Việc có nên biên tập lại nội dung của bản án gốc cho ngắn gọn, dễ hiểu hơn... đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: N.NGA
Phải biên tập lại cho ngắn gọn, dễ hiểu?
Ngược lại, Thẩm phán Trương Việt Hồng (Chánh án TAND huyện Cần Giờ, TP.HCM) lại cho rằng không nhất thiết phải “bưng nguyên toàn bộ bản án được chọn làm án lệ”. Theo ông, để cho chuẩn hơn về cách hành văn, viết lách thì TAND Tối cao nên có sự chỉnh sửa bản án đó cho ngắn gọn, súc tích, bài bản rõ ràng. Vì khi biên tập lại bản án đó để đưa ra thành án lệ là đã thông qua Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét rồi mới ban hành chứ không phải ý chí chủ quan của một người nào.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) nhận xét: Để chọn án lệ, cần có nhiều loại án khác nhau, tập trung vào những vụ việc từ trước tới nay chưa có quy định, hướng dẫn hoặc tuy có nhưng vẫn chưa thống nhất cách hiểu để xem xét, đánh giá.
Theo bà Thủy, trước đây khi giảng dạy các lớp nghiệp vụ cho thẩm phán, bà có điều kiện nghiên cứu các bản án của nhiều tòa án địa phương (dùng làm tài liệu học tập cho các lớp đào tạo nghiệp vụ). “Nhiều khi tôi thấy các bản án này rất khó hiểu, chưa kể do ở vùng miền khác nhau nên không tránh khỏi việc HĐXX đưa cả tiếng địa phương vào bản án. Tôi nghĩ để mọi người đều hiểu và nắm bắt nhanh chóng thì nên có sự biên tập trong án lệ, bỏ bớt những chi tiết thừa, không cần thiết. Đối với những từ địa phương thì tốt nhất nên mở ngoặc giải thích hoặc chuyển sang từ thông dụng” - bà Thủy góp ý.
Xử thế nào thì để nguyên thế đó Ở Việt Nam, án lệ phải có sự phê chuẩn của TAND Tối cao. Trong khi đó ở các nước, án lệ được hình thành một cách tự nhiên, ban đầu có thẩm phán họ tuyên bản án theo chức năng của mình. Sau đó, các thẩm phán khác thấy có những vụ án tương tự như vậy bèn tham khảo, nếu tán đồng với giải pháp đó thì họ xử theo. Dần dần cứ lặp đi lặp lại, trở thành trào lưu, chiếm số đông trong thực tiễn, khi đó án lệ mới hình thành. Vì vậy vấn đề biên tập hay không biên tập bản án như là rút ngắn họ không có đặt ra. Theo tôi, khi TAND Tối cao đã chọn bản án nào đó làm án lệ thì tài liệu gốc không được thay đổi, tránh việc các tòa hiểu lầm mà vận dụng sai. Án đã xử như thế nào thì để nguyên như thế đó, từ hình thức cho đến nội dung. PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường Đưa án lệ lên website Ở nước ngoài, các tòa cứ xử xong là đưa toàn văn bản án lên website của họ (trừ một số bản án đặc biệt) chứ không riêng gì án lệ. Ở Việt Nam thì chưa công khai rộng rãi bản án trên mạng nên việc sưu tầm, tìm kiếm bản án để phục vụ cho việc nghiên cứu, học hỏi cũng gặp nhiều khó khăn. Theo tôi, để tạo sự chuẩn xác, TAND Tối cao cứ in nguyên toàn văn bản án đã được coi là án lệ vào một tập và đưa lên một website công khai. Còn nếu có thời gian và đội ngũ biên tập thì TAND Tối cao biên tập lại bản án vào một tập riêng, đồng thời cũng đưa lên website để người dân tiện theo dõi. Ai muốn xem bản án gốc thì xem, ai muốn xem nhanh thì xem bản án biên tập, tiện cả đôi đường. Khi thẩm phán áp dụng án lệ chỉ cần trích dẫn tên của án lệ (số ngày, tên nguyên đơn, bị đơn…) giống như đưa ra điều luật để làm căn cứ. Thẩm phán NGUYỄN CÔNG PHÚ, |