Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, TAND Tối cao vừa giới thiệu nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo TAND Tối cao, án lệ sẽ giúp thẩm phán vận dụng dễ dàng khi có tranh chấp chưa được pháp luật quy định cụ thể hoặc có quy định nhưng có những quan điểm trái chiều.
Bên cạnh các nội dung đã khá rõ như khái niệm, tiêu chí lựa chọn, giá trị áp dụng của án lệ…, vẫn có một số nội dung về án lệ chưa được nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đề cập. Trong đó, việc có nên mã hóa tên tuổi, địa chỉ của các đương sự (VD viết tắt, đổi tên…) trong bản án được lựa chọn làm án lệ hay không đang gây nhiều tranh cãi. Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia và ghi nhận được hai luồng quan điểm đối lập.
Phải tôn trọng sự thật
PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết từ thế kỷ 15, các nhà làm luật nước ta đã đưa án lệ vào Bộ luật Hồng Đức và họ ghi hết tên tuổi của đương sự vào, không có mã hóa, thay đổi bất cứ điều gì.
Theo ông Đại, không cần phải mã hóa tên tuổi, địa chỉ của đương sự vì bản án được công khai theo luật. Mặt khác, án lệ quan trọng nhất là tình tiết, nếu mã hóa sẽ làm người đọc không hiểu hoặc khó hiểu, dẫn tới không mang lại hiệu quả. “Chưa kể, nếu đổi tên của người này sang tên người khác sẽ dễ gây nhầm lẫn cho người khác. Tôi ví dụ đương sự đang tên Dũng mà đổi tên thành Hùng thì có thể vô tình trùng tên với ông Hùng nhân chứng, ngay lập tức ông Hùng nhân chứng sẽ nhảy dựng lên nói rằng tại sao lại hài tên tôi trong khi người kia lại không nêu” - TS Đại nói.
Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì nhấn mạnh: “Phải tôn trọng sự thật, không được thay đổi bất cứ điều gì trong án lệ”.
Án lệ là căn cứ áp dụng cho thẩm phán khác thì phải có thật, không được chỉnh sửa gì, kể cả các chi tiết như tên tuổi, địa chỉ? Ảnh: N.NGA
Luật sư Thành lấy ví dụ: Trong án hôn nhân gia đình, ông chồng thường xuyên đánh đập vợ, biết đâu sẽ có những người vợ muốn công khai bản án với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của ông chồng để răn đe những người chồng bạo hành. Về phía ông chồng chắc chắn sẽ không muốn điều này nên họ sẽ nại ra là mình bị xâm phạm về quyền nhân thân. “Nhưng nếu như bản án đó xét xử có căn cứ, đúng pháp luật, hợp tình hợp lý khiến họ tâm phục khẩu phục thì việc công khai tên tuổi của họ là chuyện bình thường”.
Theo luật sư Thành, án lệ là căn cứ áp dụng cho thẩm phán khác thì căn cứ đó phải có thật, không được chỉnh sửa gì, kể cả các chi tiết như tên tuổi, địa chỉ. “Nếu thay đổi hay sửa chữa sẽ làm sai lệch đi sự thật. Ở một số nước tiến bộ, họ từng lấy tên của đương sự ra để áp dụng thành nguyên tắc pháp luật. Cái tên của đương sự nếu được nhìn dưới lăng kính là phục vụ cho công lý, lý tưởng cao cả thì lúc này dù anh thắng hay bại, anh cũng nên cảm thấy đó là điều vinh dự. Còn nhìn theo hướng đó là sự xấu hổ, ô nhục, ích kỷ thì đó chỉ là cách suy nghĩ thôi. Tại sao không xem đó là sự tôn vinh, thông qua vụ án của họ đã phục vụ cho công lý, nền tư pháp sau này cho đến khi nào không còn phù hợp thì bỏ” - luật sư Thành đặt vấn đề.
Đồng tình, GS Nguyễn Đăng Dung (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng nói: “Một bản án cụ thể phải có tên tuổi, địa chỉ cụ thể của đương sự. Nếu mã hóa thì không có tên tuổi cụ thể, người ta sẽ không biết vụ án này sau đó đã được nâng cấp lên thành án lệ. Thậm chí những người tiến hành tố tụng trong vụ án đó cũng phải nêu đích danh tên. Ở đây hoàn toàn không có chuyện xâm phạm quyền nhân thân. Án lệ của Mỹ họ cũng giữ nguyên chứ không có mã hóa”.
Hay phải bảo vệ quyền nhân thân?
Ngược lại, theo PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp), các nội dung của án lệ phải giữ nguyên nhưng riêng tên tuổi, địa chỉ của đương sự thì nên nghiên cứu mã hóa nhằm bảo vệ quyền nhân thân của đương sự. Theo ông Phúc, những người nghiên cứu, tham khảo án lệ “sẽ không quan tâm đến tên của ông Nguyễn Văn A mà họ chỉ quan tâm đến quyết định của tòa án, đường lối xử lý đã vận dụng luật trong trường hợp đó như thế nào”…
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ và Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương cũng cùng quan điểm: Với án lệ, quan trọng là nội dung, tình tiết tranh chấp, nhận định và quyết định của tòa chứ không phải là tên tuổi, địa chỉ của đương sự. “Nhiều khi với những chi tiết riêng tư của cá nhân như tài sản, thu nhập, con mồ côi…, có ai muốn bị đưa ra công bố cho toàn thế giới biết đâu” - ông Độ nói.
Theo luật sư Trịnh Minh Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM), án lệ được công bố rộng rãi, có giá trị áp dụng lâu dài cho đến khi bị hủy bỏ, dẫn tới việc có thể ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của cá nhân, doanh nghiệp… “Ở Việt Nam chưa từng có án lệ nên cần phải nghiên cứu kỹ, xem xét nhiều mặt để cân nhắc cả việc bảo vệ quyền nhân thân của đương sự” - luật sư Tân đề nghị.
Thẩm phán được quyền lựa chọn Theo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Thời điểm án lệ có hiệu lực áp dụng là sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của chánh án TAND Tối cao. Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Thẩm phán vẫn có thể không áp dụng án lệ nếu có quan điểm khác nhưng phải đưa ra lập luận cụ thể, rõ ràng, xác đáng, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa. Bên cạnh đó, khi không áp dụng án lệ vì có quan điểm khác mà có căn cứ pháp lý thì thẩm phán phải có nghĩa vụ gửi văn bản kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ án lệ cho TAND Tối cao ngay sau khi xét xử… |