Án mạng từ còi xe: Có tính chất côn đồ?

Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, y án 20 năm tù đối với bị cáo Trần Thành Duy (sinh năm 1981, quê Hải Phòng, tạm trú xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) về tội giết người.

Hai cấp tòa thống nhất “có tính chất côn đồ”

Theo hồ sơ, chiều 19-8-2016, Duy điều khiển xe máy lưu thông tại khu vực đường Nguyễn Văn Bứa - quốc lộ 22, huyện Hóc Môn thì kẹt xe, phải dừng lại. Lúc này Bùi Liên Vũ (sinh năm 1984) điều khiển xe máy từ phía sau bấm còi liên tục dẫn đến việc đôi bên cự cãi.

Sau đó, Duy tiếp tục chạy xe đến khu vực ngã ba Bùi Môn, xã Xuân Thới Đông thì bị Vũ vượt từ phía sau lên chặn lại. Hai bên cùng xuống xe tiếp tục cự cãi. Bị Vũ dùng tay đánh một cái trúng vào mặt, Duy xông vào đánh lại và bất ngờ rút trong túi quần ra một con dao tấn công Vũ gục tại chỗ. Duy nhanh chóng lên xe máy bỏ chạy. Vũ được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã tử vong sau đó.

Hay tin Vũ tử vong, tối cùng ngày, Duy đã đến công an đầu thú.

Trong vụ án này, cả hai cấp xét xử đều thống nhất xử bị cáo Duy theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (tình tiết tăng nặng định khung có tính chất côn đồ). Cụ thể, HĐXX phúc thẩm nhận định hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ, nguy hiểm cho xã hội vì đã dùng hung khí để tước đoạt mạng sống của người khác. Trong vụ án này, người bị hại cũng có một phần lỗi là dù đường đang kẹt xe nhưng bấm còi liên tục và ra tay đánh bị cáo trước. Tuy nhiên, những tình tiết giảm nhẹ đã được cấp sơ thẩm xem xét và tại phiên phúc thẩm bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới…

Bị cáo Trần Thành Duy. Ảnh: HY

Chưa thuyết phục!

Xung quanh việc xác định bị cáo Duy phạm tội có tính chất côn đồ vẫn còn có ý kiến tranh cãi. Trao đổi với chúng tôi, một số luật sư cho rằng tòa áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này là chưa thỏa đáng.

Các luật sư cho rằng đồng ý mâu thuẫn giữa bị cáo và người bị hại trong vụ án này chỉ xuất phát từ chuyện nhỏ nhặt, đó là việc người bị hại liên tục bấm còi trong lúc bị kẹt xe. Tuy nhiên, không phải do việc bấm còi này mà bị cáo bực tức, dẫn đến việc đâm chết người bị hại mà nguyên cớ chính là người bị hại sau đó đã liên tục có hành vi gây sự, thậm chí còn dùng vũ lực để tấn công bị cáo.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng phạm tội có tính chất côn đồ là kẻ phạm tội luôn chủ động gây hấn, kiếm chuyện để hành hung người khác một cách vô cớ… Ở đây, chính người bị hại đã gây hấn và tấn công bị cáo trước nên bị cáo mới tấn công lại. “Trong vụ án này, bị cáo không chủ động gây gổ, kiếm chuyện để thực hiện hành vi phạm tội. Mà trái lại, sau khi cãi vã, bị cáo còn chủ động bỏ đi để tránh sự va chạm không cần thiết có thể xảy ra. Chỉ đến khi người bị hại chặn xe và dùng vũ lực tấn công thì bị cáo mới dùng dao đâm bị hại. Trường hợp này phải chăng đã làm cho bị cáo bị kích động mạnh về tinh thần dẫn đến hành vi phạm tội? Nếu vậy, coi bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ liệu có thỏa đáng?” - luật sư Diệp đặt vấn đề.

Theo LS Diệp, việc tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ để từ đó giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 20 năm tù là chưa thật sự thuyết phục.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Thiết nghĩ vụ án trên cần được cấp tòa và VKS có thẩm quyền xem xét lại, nếu thật sự việc áp dụng pháp luật chưa chính xác thì cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án cho thấu lý đạt tình hơn.

Qua vụ án này, có thể thấy hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ nên trong thực tiễn xét xử vẫn còn có nhiều quan điểm trái chiều, chưa thống nhất. Vấn đề này Pháp Luật TP.HCM từng nêu lên nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn áp dụng.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức giải thích thật rõ về tình tiết này. Khi xét xử, các thẩm phán vẫn áp dụng Công văn số 38/NCPL ngày 6-1-1976 của TAND Tối cao và kết luận của chánh án TAND Tối cao tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 1995.

Theo hai văn bản này, “có tính chất côn đồ” được hiểu là hành động của những kẻ coi thường pháp luật, luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của họ thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ, hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt… “Cách giải thích trên vẫn chưa ổn dẫn đến thời gian qua các cơ quan tố tụng có cách vận dụng thiếu thống nhất. Việc đánh giá tùy thuộc hoàn toàn vào từng kiểm sát viên, từng thẩm phán, từng HĐXX” - luật sư Công chia sẻ.

Cách biệt rất lớn về hậu quả pháp lý

Ranh giới xác định phạm tội có tính côn đồ hay không trong tội giết người dẫn đến khác biệt rất lớn về pháp lý. Bị cáo bị xét xử theo khoản 2 Điều 93 BLHS mức hình phạt cao nhất chỉ 15 năm nhưng nếu mang tính côn đồ thì sẽ rơi vào khoản 1 điều này, mức hình phạt lên đến chung thân, tử hình. Thực tế việc đánh giá thế nào là nguyên nhân nhỏ nhặt theo các văn bản đã dẫn chứng cũng có sự hiểu khác nhau. Vì vậy, thường khi xét xử, các thẩm phán còn phải xem xét bối cảnh và đánh giá toàn diện các tình tiết liên quan đến vụ án mới đưa ra được một phán quyết phù hợp.

Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự
TAND TP.HCM

Cần có án lệ về tính chất côn đồ

Thiết nghĩ hiện nay chúng ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện định chế pháp lý về án lệ thì những trường hợp còn có nhiều cách hiểu, cách vận dụng pháp luật khác nhau, như “phạm tội có tính chất côn đồ”, “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” hay “phòng vệ chính đáng”… rất cần được nghiên cứu, trao đổi để có thể tạo ra các án lệ mang tính chuẩn mực trong hoạt động xét xử nói chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm