Nhu cầu và thói quen ăn mặn
Trung bình lượng muối bình quân cần thiết cho cơ thể dao động 4-10 g muối NaCl/ngày, trong đó thành phần muối có sẵn trong các thức ăn thiên nhiên chiếm khoảng 3%, số còn lại được bổ sung trong quá trình chế biến thực phẩm.
Thói quen ăn mặn hoặc chế biến mặn các loại thức ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều (quá lượng nước cho phép), tích giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác và gây mệt mỏi cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Bên cạnh đó là các nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương.
Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
Thiếu muối cũng không tốt
Ăn thừa muối rất nguy hiểm nhưng thiếu muối cũng sẽ gây ra sự xáo trộn cơ thể. Triệu chứng thấy rõ nhất là co bắp thịt, đau cơ, uể oải, buồn nôn... Thiếu muối cơ thể thường xảy ra với những người tiết nhiều mồ hôi hoặc tập thể thao nặng, lao động chân tay nặng nhọc hoặc những người sống ở những vùng khí hậu không thích nghi (người da trắng sống ở vùng nhiệt đới chẳng hạn).
Thói quen ăn mặn dễ bị cao huyết áp. Ảnh: HTD
Nếu bị thiếu muối, cơ thể sẽ tự thích ứng bằng cách làm giảm đào thải natri qua nước tiểu và mồ hôi. Cơ thể cũng sẽ có cảm giác thèm ăn mặn hơn nên sẽ sớm có được lượng muối cần thiết trong cơ thể. Thiếu muối nặng thì có thể dẫn tới chuột rút, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê và chết, thường gặp ở những người ra quá nhiều mồ hôi hoặc bị tiêu chảy nặng mà không được bù nước và muối hợp lý.
Công nhân luyện gang thép, làm đường; nông dân trong thời kỳ đồng áng, vận động viên, bộ đội trong thời gian luyện tập là những người có nhiều nguy cơ thiếu muối nặng... cần bổ sung cả đường và muối bằng cách nước uống. Trẻ nhỏ bị tiêu chảy cần được uống oresol hoặc bù nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch theo chỉ định của thầy thuốc.
Ăn nhạt cũng phải đúng cách
Theo khuyến cáo, bạn phải tính cả muối có trong nước chấm, nước mắm nêm đồ ăn và thực phẩm đã chứa muối sẵn. Người bị huyết áp cao nên giảm tối đa sử dụng muối. Nếu gia đình bạn đã có cha mẹ, ông bà bị tăng huyết áp thì tốt nhất cả nhà nên tập thói quen ăn nhạt.
Muối biển nguyên chất là lựa chọn thông minh bởi còn chứa một hàm lượng magie, kali, lưu huỳnh, canxi và iode. Một chế độ ăn ít muối mỗi ngày là tối ưu để phòng tăng huyết áp do ăn mặn.
Nếu đã lỡ có thói quen ăn mặn thì việc lập tức từ bỏ chúng quả là một vấn đề nan giải, vị giác của bạn sẽ không chấp nhận việc ăn nhạt trừ khi bác sĩ bắt buộc bạn phải tuân thủ theo một chế độ ăn nhất định. Hãy cố gắng tập thói quen nêm nếm vừa ăn hoặc hơi nhạt. Vì nếu bạn phát hiện mình đã quá tay trong nêm nếm thì thật sự lượng muối trong món ăn đã rất nhiều. Kiên quyết với việc tra thêm mắm, muối cho các món ăn.
Nên nếm trước hoặc nhờ người thân nếm thử khi nấu ăn để ngừa việc vị giác của mình sai lệch. Đôi khi vị giác bị đánh lừa vì tình trạng sức khỏe trong ngày. Hạn chế các món ăn rán/xào cần dùng kèm với nước chấm. Nên sử dụng nước mắm pha loãng (cùng tỏi, ớt...) trong bữa ăn hằng ngày thay vì nước chấm mặn nguyên chất.
NHƯ THỦY tổng hợp