Đến Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, cứ thấy người đàn ông nào tóc bạc trắng, gầy nhom, mắt thường nheo nheo thì đó là Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm.
Bén duyên với đặc nhiệm từ chuyện cứu người
Tham gia lực lượng SBC huyền thoại từ khi huyện Bình Chánh thành lập lực lượng SBC từ năm 1987 rồi sau đó là hình sự đặc nhiệm, ông đối diện với không biết bao nhiêu tội phạm hình sự nhưng có những vụ ông luôn nhớ vì khuất phục người phạm tội bằng cái tâm.
Qua những câu chuyện rời rạc, chúng tôi ngạc nhiên người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm xuất thân từ CSGT. Ông cho hay: Năm 1986, khi đi tuần tra trở về, ông thấy cả đội xôn xao, người dân đứng quanh trụ sở Công an huyện Bình Chánh theo dõi một thanh niên đang ngồi vắt vẻo ở thanh lan can trên lầu ba.
Tìm hiểu nhanh, ông biết người này đi cướp giật bị cảnh sát bắt được đưa về trụ sở. Không biết bằng cách nào người này mở được còng, chạy thẳng một mạch lên lầu ba cố thủ, dọa sẽ nhảy xuống tự tử nếu ai dám tới gần và mọi người chưa biết tính sao.
Quan sát nhanh, ông thấy lầu bốn cách nơi người thanh niên ngồi khoảng chừng 3 m, ông liền trao đổi, xin ý kiến lãnh đạo. Sau đó ông chạy thẳng lên lầu bốn rồi bay người xuống, tung đòn xô ngã người này vào phía trong...
Vì việc này mà năm 1987, khi SBC Bình Chánh thành lập, ông là một trong bốn trinh sát đầu tiên của huyện được tuyển vào lực lượng huyền thoại này.
Trung tá Mai Thống Nhất chỉ đạo bắt kho công cụ hỗ trợ, hung khí ở Củ Chi. (Ảnh do công an cung cấp)
Trung tá Mai Thống Nhất (ảnh tư liệu)
Thu phục người phạm tội bằng cái tâm
Ông cho hay thời gian đó SBC Bình Chánh thụ lý một vụ giết người ở An Lạc. Nghi can nhận tội là dùng vỏ chai đâm nạn nhân tử vong vì mâu thuẫn rất nhỏ. Tuy nhiên, kết luận khám nghiệm cho thấy vết đâm khiến nạn nhân tử vong là vết dao.
Ông và đồng đội xác định hung thủ là một người khác, nghi can là người nhận tội thay và vụ án sau đó khó khăn mới xác định chính xác người gây án.
Ông kể: Có lần ông tiếp nhận một nghi phạm trộm cắp do Công an xã Bình Hưng bắt giữ, chuyển lên. Tuy nhiên, tang vật vụ án thì không thu hồi được dù công an xã đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ với nghi phạm.
Một mình ông tìm đến nhà của nghi can để tìm hiểu. Tới nơi, đập vào mắt ông là ngôi nhà xiêu vẹo, người vợ thì ốm đau dặt dẹo, con còn nhỏ, nhà nghèo đến nước sạch cũng không có, hũ gạo trơ đáy. Ông đi mua cho gia đình ít nước sạch, gạo làm quà rồi mới vào nói chuyện với gia đình. Người vợ của nghi phạm ngỏ ý muốn thăm chồng, ông chở đi.
Tới nơi, ông và mọi người ra ngoài để hai vợ chồng nói chuyện. Chẳng biết hai người nói gì nhưng lúc bước ra người vợ khóc òa, còn ông chồng tự nguyện chỉ ra chỗ cất giấu tang vật là mái nhà của… hàng xóm.
Người giàu tình cảm
“Tôi làm việc với chú Nhất bốn năm rồi và anh em hầu như chưa thấy chú nghỉ phép ngày nào” - một trinh sát nói.
“Làm với chú Nhất xuề xòa là không xong đâu”; “làm ra làm, chơi ra chơi và chỉ thấy lính nghỉ chứ chú Nhất thì không”… các trinh sát đặc nhiệm hay nói về ông như vậy.
“Mấy hôm nữa tôi về lau nhà cho vợ rồi” - ông thông báo ngày sắp về hưu gọn lỏn như vậy và “sẽ trả nợ vì vay bà ấy quá nhiều rồi”.
Một trinh sát kể: Bữa đó đang ở nhà, sếp gọi đến cơ quan lẹ để đi đánh án. Đến thấy mặt sếp buồn thiu, sếp bảo “Chú làm vợ giận nên bả bỏ đi rồi. Giờ đi tìm vợ với chú”.
“Bằng biện pháp nghiệp vụ”, ông biết bà đang đi chơi ở Vũng Tàu. Sau khi biết chính xác bà ở đâu, mấy thầy trò vào nhà nói chuyện với người bạn của bà và đánh tiếng “ông xuống đây tìm bà” nhưng bà nhất quyết không ra mặt. Sau đó ông và các trinh sát quay về vì còn công việc. Hôm sau vợ ông về mang theo mớ đồ nhậu cho ông đãi anh em.
Tháng 9 này, ông về hưu rồi!
Tháng 3-2017, đặc nhiệm bắt cả kho vũ khí ở quận 8, trinh sát gọi điện thoại báo tình hình. Đang đêm, Trung tá Nhất quay đầu xe chạy sang cùng anh em ghi nhận, lấy lời khai. Lần khác trinh sát bắt giữ “kho” công cụ hỗ trợ, dao, kiếm, mã tấu… lúc rạng sáng, một mình ông bắt taxi chạy lên Củ Chi trực tiếp làm việc cùng trinh sát. Ông bảo: “Số vũ khí này mà tuồn ra ngoài thì không biết hậu quả sao. Ngay cả trinh sát đặc nhiệm cũng thường xuyên bị tội phạm cướp giật sử dụng các loại công cụ hỗ trợ chống trả khi bị truy bắt. Bắt từ đầu cũng là để bảo vệ người dân, bảo vệ anh em”. |