Trên các số báo trước, chúng tôi phản ánh Bộ Công an đang xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Trong đó phân định rõ người sử dụng ma túy và người nghiện cùng nhiều biện pháp cứng rắn hơn để giảm thiểu tệ nạn ngày càng phổ biến này.
Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), cho rằng dự thảo luật mới mang tính đột phá.
Kịp thời có đối sách nghiệp vụ
Theo Thượng tá Bình, dự thảo giúp các lực lượng quản lý hành chính, phòng chống ma túy, hình sự… có đối sách nghiệp vụ kịp thời trong công tác giám sát, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Ông Bình cũng cho hay dự thảo luật mới có biện pháp chế tài mạnh đối với những trường hợp không hợp tác với cơ quan chức năng, không chấp hành xét nghiệm ma túy.
Phân tích thêm, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng Phòng 2, C04, cho rằng hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mới chỉ bị xử phạt hành chính (mức phạt tối đa là 1 triệu đồng), chưa đủ sức răn đe.
Dự luật mới tạo cơ chế giám sát, giáo dục, xét nghiệm định kỳ đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, giúp cơ quan chức năng uốn nắn kịp thời, tránh việc xử phạt rồi bỏ đó.
Ông Hiều dẫn căn cứ khoa học, rằng không phải ai sử dụng ma túy là sẽ nghiện. Khi nắm bắt được người sử dụng, cơ quan liên quan sẽ có biện pháp giáo dục để họ không lún sâu thêm vào ma túy. “Khi làm tốt công tác này, chúng ta có thể ngăn chặn “đầu vào” của người nghiện vì khi trở thành người nghiện, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh” - Trung tá Hiều nói.
Bổ sung, Thượng tá Ngô Thanh Bình cho rằng lực lượng công an là nòng cốt trong phòng, chống ma túy nhưng không thể gánh vác hết. Gia đình của người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người nghiện có vai trò vô cùng lớn. Gia đình người sử dụng ma túy, người nghiện hợp tác sẽ giúp cơ quan chức năng ngăn chặn, quản lý ngay từ đầu. “Trong dự thảo đề cập rất rõ đến trách nhiệm của gia đình những người này” - Thượng tá Bình nói.
Công an đang soạn thảo luật mới để quản lý chặt hơn người sử dụng ma túy, người nghiện. Trong ảnh: Hai người đang sử dụng ma túy ở Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Sửa cùng lúc Luật Xử lý vi phạm hành chính
Chia sẻ với PV, Phó Cục trưởng C04 nói về một trong những khó khăn của công tác phòng, chống ma túy, đó là phải xác định người sử dụng ma túy bị nghiện thì mới áp dụng được các biện pháp cai nghiện.
Khi sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, các cơ quan cũng sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính và hai dự thảo luật này đang được xây dựng song song. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng có nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn trong việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thời hạn tạm giữ hành chính người sử dụng ma túy để xác định tình trạng nghiện. Trung tá HOÀNG VĂN HIỀU, Phó Trưởng Phòng 2, |
Bởi không phải loại ma túy nào mà người sử dụng dùng 1-2 lần đều thành nghiện. Cạnh đó, để xác định tình trạng nghiện thì phải chứng minh người đó lệ thuộc vào ma túy, cơ sở y tế cần tới 3-5 ngày để xác định tình trạng nghiện. Trong khi đó việc tạm giữ hành chính chỉ 24 giờ, tạm giữ hình sự thì càng không có căn cứ… “Dự thảo sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đang được xây dựng, trong đó đề xuất những người có hành vi nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị tạm giữ hành chính tối đa ba ngày. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề vừa nêu” - ông Bình nói.
Trung tá Hoàng Văn Hiều cũng cho biết ngoài những chính sách về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cũng như người nghiện, Bộ Công an còn đề xuất mang tính đột phá trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là phương tiện, tài sản bị tịch thu trong các vụ vi phạm pháp luật về ma túy sẽ được giao cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. “Nhiều nước đang áp dụng quy định này. Nếu được sử dụng chính những phương tiện này phục vụ cho công tác nghiệp vụ thì hiệu quả đấu tranh tội phạm sẽ cao hơn. Đây là điểm mới mang tính đột phá. Nếu được thông qua, sẽ là động lực rất lớn cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy” - Trung tá Hiều nói.
Thiếu tướng Phan Anh Minh: Cần nghiêm khắc hơn 20 năm nay chúng ta đối diện cuộc chiến với ma túy, hiện nay người nghiện tăng, chủng loại ma túy được sử dụng và lạm dụng ngày càng nhiều, gây hệ quả xấu về trật tự xã hội. Việc đề cao quyền con người, coi người nghiện là bệnh nhân cần chăm sóc, điều trị là chưa đủ. Họ bị lệch lạc về nhân cách, tự gây ra suy thoái nhân cách của mình, có nguy cơ đối kháng với xã hội và có nguy cơ vi phạm pháp luật rất cao, cần phải chăm sóc, điều trị và quản lý đặc biệt. Chúng ta cần phải có quan điểm nghiêm khắc hơn với người nghiện ma túy. Đối sách của chúng ta là phải tập trung, ưu tiên cho việc ngăn ngừa việc phát sinh thêm người nghiện mới và can thiệp sớm hơn bằng việc theo dõi, giúp đỡ liên tục, tập trung vào các cá nhân và nhóm người vi phạm, có khả năng vi phạm, nguy cơ tái phạm về ma túy. Chúng ta cần có những thay đổi về đánh giá tình trạng của người nghiện ma túy tổng hợp. Người ta cho rằng việc chẩn đoán tình trạng nghiện ma túy tổng hợp thì cần phải theo dõi và đợi tới hậu quả loạn thần, ảo giác, tức là đã rơi vào không thể điều khiển được hành vi nữa, phải thay đổi nhận thức này. Thiếu tướng PHAN ANH MINH, cựu phó giám đốc Công an TP.HCM, |