Theo đó, án phạt đưa ra từ VFF là phạt CLB Hải Phòng 70 triệu đồng, CLB Hà Nội cũng 70 triệu đồng, đồng thời “treo sân” đối với CLB Hà Nội một trận phải đá trong điều kiện không khán giả. Cụ thể, vào ngày 27-4 tới đây Hà Nội tiếp TP.HCM sẽ không có bán vé, không được để khán giả vào sân.
Án phạt này được hiểu là ban tổ chức sân Hàng Đẫy làm nhiệm vụ không tốt để cổ động viên mang pháo sáng vào sân.
Tuy nhiên, những án phạt gần đây của AFC giáng xuống VFF khi để cổ động viên đốt pháo sáng trên sân khách rất khác. Chẳng hạn như khi cổ động viên Việt Nam qua sân Olympic ở Phnom Penh cổ vũ đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2019 và đốt pháo sáng. Lần đó AFC phạt VFF 10.000 USD còn ban tổ chức sân Olympic là 5.000 USD. Gần hơn là Asiad 18, cổ động viên Việt Nam cũng nổi pháo sáng ở Indonesia khi Olympic Việt Nam thi đấu. Lần đó VFF bị phạt 12.500 USD.
Ai cũng biết rằng sự cố đốt pháo sáng chiều 21-4 vừa qua trên sân Hàng Đẫy là do nhóm cổ động viên Hải Phòng, ở khu vực có banderole cổ vũ của cổ động viên Hải Phòng.
Nếu như CLB Hà Nội bị phạt 70 triệu đồng và “treo sân” không khán giả một trận thì CLB Hải Phòng phải bị phạt số tiền nặng hơn gấp đôi hoặc gấp ba lần mới thích hợp, theo cách làm của AFC.
Nạn mang pháo sáng vào sân thì thật khó kiểm soát, cái chính là phạt đúng đối tượng thì mới có tính răn đe cao!