Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trường hợp đăng tin là ăn tỏi, uống nước thường xuyên hay uống nước trà gừng, hoặc dùng thực phẩm chức năng sẽ trị được dịch COVID-19. Tuy nhiên, những lời thông tin này hoàn toàn chưa có căn cứ khoa học.
Không có bằng chứng cho thấy một loại thực phẩm cụ thể nào có thể giúp chống lại COVID-19. Ảnh: Internet
Dân hoang mang vì nhiều “thần dược” trị COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng vì hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng bệnh. Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện không ít trường hợp đăng tin cách trị COVID-19.
Những thông tin này làm không ít người dân hoang mang, cũng không ít người tin tưởng mà áp dụng.
Anh Nguyễn Hồng Hải (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Vừa qua, có một người trên Facebook lan truyền thông tin uống nước trà gừng sẽ ngừa nhiễm COVID-19, mẹ tôi thấy vậy cũng làm theo. Tuy nhiên, tôi cũng không rõ công dụng thật sự có đúng hay không”.
Chị Lê Thị Lệ (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho hay: “Nhiều người lan truyền trên mạng là nếu ăn nhiều tỏi, nước sả sẽ chống được COVID-19, vì vậy hầu như món ăn nào gia đình tôi cũng cho rất nhiều tỏi và sả.
Cũng có nhiều người giới thiệu rằng: Nên cho người già bổ sung thêm các thực phẩm chức năng để chống COVID-19, nhưng tôi cũng không hoàn toàn tin vì nghĩ họ quảng cáo để bán được hàng” - chị Lệ chia sẻ thêm.
Những bài thuốc này có giúp chống bệnh?
Những “bài thuốc” mà nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội hiện nay để phòng chống, chữa COVID-19 là hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Vì hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị nào được xác nhận có khả năng phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19.
Theo nhiều bác sĩ, không có cơ sở nào khẳng định gừng, sả, tỏi có thể diệt virus gây bệnh này. Mặc dù ăn tỏi có thể giúp điều trị cảm lạnh thông thường, chúng có đặc tính kháng khuẩn nhưng cách này không thể ngăn nhiễm COVID-19.
Gừng và sả cũng tương tự như thế, gừng hay sả có những công dụng như tăng khả năng miễn dịch chứ không thể ngăn nhiễm COVID-19.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1, cho biết: Uống nước ấm, nước trà, nước gừng… không thể loại được virus Corona. Tuy nhiên, nếu uống nước ấm thường xuyên, virus (nếu có) trong vùng hầu, họng có thể sẽ bị trôi xuống dạ dày, dẫn đến khó nhiễm hơn, do chúng ta nuốt chúng xuống dạ dày thì chúng sẽ khó tấn công vào đường hô hấp hơn. Uống nước ấm cũng sẽ kìm hãm được phần nào một số virus, do virus sợ nhiệt độ cao.
Chính vì thế, thay vì tin các bài thuốc trên mạng xã hội, chúng ta hãy thực hiện theo các hướng dẫn được Bộ Y tế công bố. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện này là hạn chế tụ tập nơi đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng…
Theo luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM: Việc đăng thông tin việc ăn uống một số loại thực phẩm có khả năng ngăn ngừa, thậm chí sẽ trị được COVID-19, có thể gây ra hậu quả gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng làm cho cơ quan có thẩm quyền mất thời gian, công sức để xác minh hoặc người dân quá tin tưởng vào việc ăn một số loại thực phẩm trị được bệnh nên chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù một số người đăng những thông tin này về ý thức chủ quan không nhằm mục đích xấu. Chỉ do nhận thức về tác hại của việc sử dụng mạng xã hội còn hạn chế, thích thể hiện mình trên mạng xã hội, thích chia sẻ những vấn đề không rõ thực hư thế nào. Tuy nhiên, hành vi đăng những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố là vi phạm quy định của pháp luật, bởi một người có đầy đủ năng lực hành vi thì có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và buộc phải biết hành vi như vậy là trái pháp luật. Trước một thông tin, một sự việc mà chưa biết đúng, sai thì người đó phải thận trọng, phải tìm hiểu hoặc được sự tư vấn để quyết định có đăng hay không. Do đó, việc đưa thông tin không có căn cứ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả do hành vi trái pháp luật đó gây ra để có hình thức xử lý phù hợp, việc đăng tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính. Theo Điều 101 về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. |