Nền âm nhạc Việt Nam vừa mất đi một nghệ sĩ của dòng âm nhạc cách mạng Việt Nam cùng thời với những tên tuổi lớn như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Phan Nhân…
Tôi thuộc lớp nhạc sĩ đi sau, trưởng thành ở miền Nam trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên (HS-SV) Sài Gòn. Vào Sài Gòn học ĐH Văn khoa năm 1970, tôi thường nghe lén đài Giải phóng và vô cùng xúc động khi lần đầu tiên nghe bàiQuê em của anh Nguyễn Đức Toàn trên sóng phát thanh. Tôi chưa biết đến miền Bắc nhưng tình cảm trong tôi dành cho miền Bắc trở nên rất tha thiết, thiêng liêng qua bài hát này. Quê em miền trung du, đồng suối lúa xanh rờn. Giặc tràn lên thôn xóm. Dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ, không tay người chăm bón…Lúc đó, chính quyền Sài Gòn cấm người dân nghe đài Giải phóng. Nhưng lệnh cấm đó không ngăn được người dân yêu nhạc cách mạng bởi giai điệu tha thiết, lãng mạn chạm đến cảm xúc sâu lắng nhất trong mỗi người về tình yêu quê hương, đất nước.
Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong Nam ngày càng lớn mạnh. Tôi làm phó Đoàn Văn nghệ HS-SV, sau đó làm trưởng đoàn. Vì không được phép hát các sáng tác của “phe Bắc Việt”, chúng tôi biểu diễn những bài hát do chính mình sáng tác để tranh đấu. Những sáng tác của tôi chịu ảnh hưởng của người nhạc sĩ tài hoa này. Tôi viết bài Chim hòa bình với giai điệu và ca từ có ảnh hưởng từ Quê em và được đón nhận với tinh thần khát khao hòa bình và thống nhất.
Một bài hát khác gây xúc động mạnh mẽ trong tôi là Biết ơn chị Võ Thị Sáu. Lúc đó chính quyền Sài Gòn không cho tuyên truyền, không được nhắc đến chị Võ Thị Sáu. Nhưng bài hát quá xuất sắc cả về hình ảnh, ca từ và giai điệu đã khiến chúng tôi tìm hiểu về chị Võ Thị Sáu. Bài hát thúc đẩy chúng tôi phải đấu tranh bền bỉ hơn nữa vì một đất nước chỉ có yêu thương, hòa bình, thống nhất.
Khi Sài Gòn được giải phóng, Đoàn Văn nghệ HS-SV được đổi tên thành Đoàn Văn nghệ Thanh niên HS-SV giải phóng. Tôi với tư cách đoàn trưởng đã dàn dựng, biểu diễn các ca khúc cách mạng trong không khí tự do, hừng hực sức trẻ. Tôi đến các nông trường, các trường học và các đơn vị bộ đội ở biên giới Tây Nam hát say sưa Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đào công sự, Chiều trên bến cảng…
Khi tôi ra Bắc gặp anh Nguyễn Đức Toàn, ấn tượng của tôi về anh là một đại tá quân đội nghiêm nghị, khó tính, khó nói chuyện. Nhưng sau khi đã trò chuyện hiểu nhau thì tôi hiểu nhạc là người, người là nhạc. Con người anh rất lãng mạn, bay bổng, yêu quê hương, yêu con người đến thiết tha.
Anh vào Sài Gòn gặp tôi sau chuyến đi thăm mộ chị Võ Thị Sáu, tôi hỏi đùa anh hoa lêkima đẹp không. Anh bày tỏ khi viết bài hát, anh không biết cây lêkima chỉ có những nụ nhỏ xanh rụng xuống trước khi kết trái, nó không có hương sắc rực rỡ. Anh chỉ viết bằng hình ảnh tưởng tượng và cảm xúc chân thật. Nhưng đối với tôi, anh đã làm mùa hoa lêkima trở nên đẹp đẽ và bất tử bởi giai điệu yêu thương tha thiết đó.
Một nhánh trong dòng chảy nhạc cách mạng lắng sâu qua các sáng tác của anh Nguyễn Đức Toàn đã có một sức sống bền bỉ theo năm tháng.
Nhạc sĩ TRẦN XUÂN TIẾN, nguyên Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM