Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10-3-1929 tại Hà Nội trong một gia đình có cha là điêu khắc gia. Các anh chị em của nhạc sĩ đều hoạt động trong ngành âm nhạc.
Thừa hưởng từ cha, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn ngoài viết còn là hoạ sĩ thành công với chất liệu sơn mài. Rất nhiều nhà phê bình âm nhạc từng ví những bản tình ca của ông là những bức tranh đồng quê hay biển chiều đậm màu Bắc bộ.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn - Ảnh: trang mạng Hội nhạc sĩ Việt Nam
Thông tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn mất được biết đến từ chia sẻ của ca sĩ Ánh Tuyết trên trang Facebook cá nhân của cô. Ca sĩ Ánh Tuyết viết: “Vậy là một nhạc sĩ tài hoa, một cây cổ thụ nữa đã ra đi vĩnh viễn lìa xa chúng ta rồi. Xin phép được thay mặt anh chị em văn nghệ sĩ gửi tới gia đình nhạc sĩ lời chia buồn sâu sắc nhất. Tôi thật sự thích những bài ông viết và cả nhân cách sống của ông”.
Ông tham gia Đoàn Kịch Sao Vàng cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận và kháng chiến chống Pháp.
Đây cũng là thời gian ông làm Phó đoàn Đoàn Văn công Việt Bắc với nhiều hoạt động: Diễn kịch, vẽ minh hoạ, trình bày báo, và sáng tác âm nhạc với những bài như: Chiều hậu phương, Lúa mới và một số ca cảnh.
Ông là người đã dành trọn cả cuộc đời với những bản nhạc về tình yêu quê hương, đất nước… Nhắc đến Nguyễn Đức Toàn là nhắc đến hàng loạt ca khúc: Quê em miền trung du, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Mời anh đến thăm quê tôi, Bài ca người lái xe, Khâu áo gửi người chiến sĩ, Lúa mới, Chiều hậu phương, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý…
Sau năm 1975, ông viết nhiều ca khúc trữ tình như: Từ ngày hôm nay, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Hà Nội một trái tim hồng...
Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: Quê em miền trung du, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đào công sự, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng.
Tang lễ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng. Linh cữu được đưa đi hoả táng vào 9 giờ 30 phút ngày 12-10.