Ấn tượng với xuất khẩu giữa mùa dịch COVID-19

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo cho hay trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam (VN) tiếp tục xuất siêu hơn 3 tỉ USD. Nhờ vậy đã nâng thặng dư thương mại từ đầu năm đến nay lên mức kỷ lục gần 12 tỉ USD.

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các bộ, ngành trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tin vui từ các doanh nghiệp

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, nhiều DN cho biết dù dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh trong tám tháng đầu năm vẫn đạt tăng trưởng khá tốt.

Đơn cử như Tập đoàn Vina T&T, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chuyên xuất khẩu trái cây sang Mỹ, EU đều cho hay doanh thu tăng 30%-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay.

Ông Nguyễn Tất Quyền, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Rạng Đông, chuyên xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, chia sẻ: “Công ty tôi có mức tăng trưởng cao hơn năm ngoái khoảng 30%. Hiện nay xuất khẩu hàng sang thị trường Trung Quốc khá thuận lợi”.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận: Trong bối cảnh dịch bủa vây mà các công ty nông sản, nhất là trái cây đạt tăng trưởng khá là nhờ từ lâu họ đã chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khó tính.

“Lâu nay các thị trường mới như Mỹ, EU… có nhu cầu nhập khẩu nông sản, trái cây rất lớn nhưng do VN chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. Khi thị trường Trung Quốc khó tính hơn, các nhà kinh doanh bắt đầu chú trọng đến chất lượng sản phẩm và tìm thêm các thị trường mới để phòng ngừa rủi ro” - ông Nguyên giải thích.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá: Trong các mặt hàng xuất khẩu thì gạo và gỗ, các sản phẩm từ gỗ có kim ngạch xuất khẩu sáng nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ước tính trong tám tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD. Tuy giảm nhẹ về sản lượng nhưng tăng mạnh về giá trị, đạt 489 USD/tấn. Hiện VN đang nằm trong tốp các nước xuất khẩu gạo lớn và đang phấn đấu trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tương tự, ngành gỗ trong tám tháng đầu năm cũng xuất khẩu ước đạt 7,83 tỉ USD. Con số này tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Bất chấp dịch COVID-19, ngành gỗ trong tám tháng đầu năm có giá trị xuất khẩu ước đạt 7,83 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Ảnh: VŨ KHÁNH

Tích cực tìm kiếm thị trường

Trong thời gian qua, việc tìm kiếm thị trường mới được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng ưu tiên. Chẳng hạn, thương vụ VN tại Úc tổ chức nhiều chương trình để quảng bá trái vải, sầu triêng, nhãn…VN. Ví dụ, tổ chức tuần lễ sầu riêng VN tại Úc với điểm nhấn là chương trình khuyến mãi “Mua sầu riêng trúng thưởng”, hay tổ chức chương trình “Nhãn VN mình!” như một lời giới thiệu, tâm tình về hương vị VN với bạn bè Úc và đồng bào ở xa Tổ quốc.

Đặc biệt, thương vụ VN tại Úc đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo nhằm quảng bá hàng Việt. Như giới thiệu quả vải VN trên mạng xã hội, quảng bá trên ứng dụng trực tuyến đi kèm với những biện pháp tiếp thị truyền thống; vận động các hiệp hội mua, thưởng thức sầu riêng VN.

Cục Thống kê TP.HCM cho hay trong tám tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP qua các cửa khẩu trên cả nước đạt 28,43 tỉ USD, tăng 4% so với năm trước. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu các nhóm hàng khác như lâm sản, thủy hải sản, công nghiệp... đều tăng 1%-10%. 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho rằng vì dịch bệnh nên các hoạt động xúc tiến thương mại của DN, hiệp hội và các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt cuộc xúc tiến thương mại bị hủy, hoãn. Nhiều mặt hàng, nhất là hàng nông sản có nguy cơ không có đầu ra.

Trước bối cảnh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã thí điểm thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến, mở đầu là thị trường Trung Quốc. Sau đó, cục tiếp tục tổ chức giao thương trực tuyến với Mỹ, Singapore, Hà Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản...

Tính đến nay, đã có khoảng 5.200 lượt công ty VN và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến với các mặt hàng tham gia giao thương rất đa dạng, từ nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm phòng dịch đến vật liệu xây dựng, giày dép...

“Chúng tôi rất vui khi các DN đánh giá hoạt động này đã hỗ trợ họ kết nối giao thương, duy trì quan hệ khách hàng với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm thêm các đơn hàng mới” - ông Phú cho biết.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin thêm, tác động tích cực được ghi nhận tương đối rõ nét đối với nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản. Qua đó giúp nhóm ngành hàng này đạt xuất siêu khoảng 6,2 tỉ USD trong tám tháng đầu năm, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Thặng dư thương mại đạt gần 12 tỉ USD

Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của COVID-19 trong nước và trên thế giới vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của VN. Tuy vậy, trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu hàng hóa của VN ước đạt 26,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với tháng trước.

Tính chung tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính hơn 174 tỉ USD, tăng 1,6%. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 162,2 tỉ USD, giảm 2,2%. Như vậy, VN xuất siêu gần 12 tỉ USD và đây là kỷ lục trong nhiều năm gần đây.

Có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch. Trong đó có năm mặt hàng trên 10 tỉ USD gồm điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu 31,5 tỉ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỉ USD; hàng dệt may đạt 19,2 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 15,1 tỉ USD và giày dép đạt 10,9 tỉ USD. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm