Theo khảo sát từ Digital, mỗi người dân Việt Nam dùng tới 7 giờ để tham gia các hoạt động liên quan đến Internet và có tới 73,7% dân số sử dụng mạng xã hội.
Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội hoặc trang tìm kiếm thông tin, hàng loạt nội dung từ ăn uống, vui chơi, đời sống riêng tư, tư vấn sức khỏe, những tin đồn phi khoa học… được tung ra bất chấp tính đúng sai, tác động tiêu cực hay tích cực đến người tiếp nhận.
Điều này ảnh hưởng không ít tới người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp xây dựng chế độ ăn uống theo tư vấn của “bác sĩ mạng” gây ra hậu quả không mong muốn.
Nhằm cung cấp kiến thức y khoa cần thiết để giúp mọi người hiểu đúng về các phương pháp ăn uống khoa học, hạn chế được nguy cơ ngộ độc khi nghe theo các hướng dẫn không rõ nguồn gốc, không có căn cứ, báo Pháp luật TP.HCM tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến “Ăn uống theo mạng có mang lại hiệu quả tích cực?” để cùng các chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc phổ biến của nhiều bạn đọc về các tin đồn và phương pháp ăn uống khoa học.
Tham gia trả lời câu hỏi cho bạn đọc trong buổi tọa đàm hôm nay có Thạc sĩ-Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa dinh dưỡng- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC); Tiến sĩ Nguyễn Văn Chung, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng và ẩm thực Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Báo Pháp Luật TP.HCM kính mời bạn đọc đặt câu hỏi cho chương trình tại phần “Giao lưu với độc giả” trong bài viết này.
Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp và câu hỏi của quý bạn đọc.
Mì gói và sức khỏe con người
- 1. Thời gian: 10:30 08/08/2022
- 2. Địa điểm: Trụ sở Tòa soạn Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
Danh sách khách mời
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chung
Luật sư Kiều Anh Vũ
Thạc sĩ-Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh
Tôi cho rằng để tránh việc tiếp cận với thông tin không đúng sự thật thì bản thân chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội.
Chúng ta khi tiếp nhận thông tin thì đừng vội vàng nhấn nút chia sẻ hay đăng tải lại thông tin mà chưa kiểm chứng, nếu thông tin này sai sự thật thì vô tình đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Phải lưu ý rằng khi xuất hiện thông tin sai sự thật thì người tạo ra thông tin này đã vi phạm pháp luật và người chia sẻ thông tin cũng bị liên đới.
Do đó, theo tôi nâng cao trách nhiệm, ý thức của bản thân chúng ta là vô cùng quan trọng. Để nâng cao ý thức đó cần có sự đồng hành của cơ quan chức năng, cơ quan báo chí truyền thông để truyền tải thông tin về xử phạt vi phạm, từ đó nâng cao ý thức của người dùng mạng.
Một người dân bị mời đến làm việc vì đã đăng thông tin về dịch bệnh sai sự thật hồi năm 2021. Ảnh: CA |
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm nhiều hơn để tạo tính răn đe. Đồng thời hoàn thiện, nâng cao khung pháp lý xử phạt hiện nay.
Đơn cư theo tôi khung xử phạt 7,5 triệu cho hành vi tung tin thất thiệt như hiện nay có thể chưa đủ sức răn đe với một số người. Thực tế, một số người kiếm được nhiều tiền hơn mức phạt từ thông tin sai sự thật đó và họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt.
Ngoài ra, trong tương lai thì chúng ta cần tính đến luật về phòng chống tin giả bởi một số quốc gia đã có luật này rồi.
Một số người có tuổi thường kiêng những món ăn như thịt đỏ vì cho rằng món ăn này có tác động xấu với những người có bệnh nền (huyết áp, gout). Điều này là không có căn cứ khoa học.
Có thể nói ăn nhiều thịt đỏ có thể làm nặng thêm một số bệnh chứ không có cơ sở nào nói nó gây các bệnh nguy hiểm như ung thư. Đối với những người trên 50 tuổi, tùy tình trạng sức khỏe mà có cách ăn uống hợp lý chứ không phải ai cũng cần kiêng cữ. Tốt nhất chúng ta nên có lời khuyên từ các bác sĩ cho những trường hợp cụ thể chứ không tự phán đoán mà cắt khẩu phần loại thịt này.
Ăn nhiều thịt đỏ có thể làm nặng thêm một số bệnh
Bác sĩ Oanh bổ sung: Hiện không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng người trên 50 tuổi có bệnh nền thì không được sử dụng thịt đỏ, ví dụ như thịt bò.
Thực tế, tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư không dám ăn thịt đỏ do nghĩ là mắc bệnh ung thư mà ăn thịt đỏ thì chất dinh dưỡng từ loại thịt này lại nuôi các tế bào ung thư. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm vì nếu như chúng ta không ăn thì các tế bào ung thư sẽ "ăn" chúng ta trước.
Vì vậy, người trên 50 tuổi có bệnh lý kèm theo hay không vẫn nên sử dụng các loại thịt đỏ với mức độ vừa phải.
Theo tôi, người muốn giảm cân tốt nhất là đến những cơ sở y tế để khám, xin lời khuyên của các bác sĩ để phù hợp với thể trạng của mình. Từ đó, bác sĩ sẽ khuyến cáo cho chúng ta chế độ ăn uống chứ không nên tự quyết định bằng cách đưa ra khẩu phần ăn hoặc uống những loại nước mà mình tự nghĩ là có thể giảm cân.
Tất cả những phương pháp để giảm cân phải dựa trên các thông số dữ liệu về tình trạng sức khỏe do cơ sở y tế đưa ra.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chung, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng và ẩm thực-Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Ảnh: MINH HOÀNG |
Với những loại bánh trung thu giá rẻ chỉ 2.000-5.000 đồng chắc chắn không đảm bảo chất lượng. Riêng tiền nguyên vật liệu, công chế biến, bao bì, khâu kinh doanh... thì với mức giá đó sẽ không thể có lời.
Không thể khẳng định bánh trung thu có giá đó thì có độc hại hay không nhưng có thể sẽ không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta nên mua bánh trung thu ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu... không nên ham của rẻ, không rõ xuất xứ vì có thể nảy sinh nhiều tác hại xấu không mong muốn, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.
Thực phẩm sau khi chế biến tốt nhất chúng ta nên sử dụng trong ngày. Kể cả được bảo quản trong tủ lạnh thì các loại nấm mốc vẫn có thể phát triển trên món ăn. Đặc biệt, với những loại thực phẩm giàu chất đạm, chất đạm hòa tan như nước thịt, nước canh... thì càng dễ bị hư hỏng khi lưu trữ lâu.
Trường hợp những thực phẩm chúng ta chế biến có hàm lượng muối nhiều như thịt kho thì sẽ có khả năng bảo quản tốt hơn.
Đối với việc xử lý trên không gian mạng về khung pháp lý là có, rất rõ ràng và có nhiều ví dụ về tổng thể như luật an ninh mạng.
Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm trên môi trường mạng đã có các quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Kiều Anh Vũ (bìa phải), Đoàn Luật sư TP.HCM |
Cụ thể theo Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì đối với hành vi đăng tải thông tin, chia sẻ trên không gian mạng sai sự thật sẽ có khung xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.
Thông thường mức phạt trung bình là 7,5 triệu đồng đối với hành vi chia sẻ đăng tải hành vi sai sự thật trên không gian mạng. Đây cũng là mức phạt khá phổ biến và thường gặp nhất là trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19 vừa qua. Đối với tổ chức, doanh nghiệp thì mức xử phạt cho hành vi này là gấp đôi, nghĩa là 10 triệu - 20 triệu đồng.
Việc xử lý các hành vi vi phạm như trên diễn ra khá thường xuyên và có tính chất răng đe.
Quay lại các trường hợp đăng tải thông tin không đúng sự thật trên Youtube, Tiktok hay Facebook thì đơn vị xử lý phổ biến nhất là đơn vị Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo tôi được biết thì Công an TP cũng đã xử lý rất nhiều trường hợp như vậy. Bản thân tôi cũng tham gia rất nhiều vào các vụ việc tương tự ở vị trí tố giác lẫn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trường hợp tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt trên mạng xã hội thì bị xử phạm vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện; cá nhân vi phạm thì mức phạt là ½ mức phạt này (5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng).
Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: MINH HOÀNG |
Trường hợp không phải là hành vi vi phạm trên mạng xã hội như nêu trên thì theo điểm i khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021 thì hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trường hợp đủ yếu tố xác định vi phạm pháp luật về cạnh tranh, cụ thể là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác thì có thể bị phạt theo Điều 18 Nghị định 75/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh:
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Phạt tiền gấp hai lần mức quy định nêu trên đối với hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
- Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính công khai.
Cá nhân, tổ chức bị vi phạm, xâm phạm có thể trình báo sự việc đến Ủy ban cạnh tranh quốc gia (nếu xử lý theo trình tự, thủ tục vụ việc về cạnh tranh) hoặc cơ quan công an nếu xử phạt vi phạm hành chính thông thường (thông tin sai sự thật trên mạng xã hội hoặc hình thức khác).
Hàng giả, hàng nhái (gọi chung là hàng giả) có nhiều loại như: giả về giá trị sử dụng, công dụng; giả mạo về sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý); giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ; tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả...
Cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng giả, chẳng hạn như trường hợp làm giả muối chấm Hảo Hảo, tùy tính chất, mức độ vi phạm, tùy theo hành vi vi phạm là buôn bán hay sản xuất, giá trị vi phạm là bao nhiêu thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt khác nhau hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mức xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Nghị định 98/2020, mức phạt đối với hàng giả là thực phẩm như sau:
- Hành vi buôn bán hàng giả về công dụng, giá trị sử dụng: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng tuỳ vào trị giá tương đương của hàng thật và mức độ thu lợi bất hợp pháp.
- Hành vi sản xuất hàng giả về công dụng, giá trị sử dụng: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tuỳ vào trị giá tương đương của hàng thật và mức độ thu lợi bất hợp pháp.
- Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì: phạt tiền từ 2.000.000 đến 100.000.000 triệu đồng tuỳ vào trị giá tương đương của hàng thật và mức độ thu lợi bất hợp pháp.
- Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: phạt tiền từ 4.000.000 đến 100.000.000 triệu đồng tuỳ vào trị giá tương đương của hàng thật và mức độ thu lợi bất hợp pháp.
- Ngoài biện pháp phạt tiền nêu trên thì còn áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật hoặc tước giấy phép và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu huỷ, nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 BLHS hiện hành.
Theo đó, hình phạt có thể là phạt tù từ 02 năm đến cao nhất là 20 năm hoặc chung thân (chẳng hạn trường hợp thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên...).
Về trách nhiệm dân sự, người vi phạm còn phải bồi thường cho thiệt hại của người bị vi phạm.
Thạc sĩ-Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh. Ảnh: MINH HOÀNG |
Đúng là có nhiều lời đồn vaccine phòng COVID-19 tiêm xong gây mất trí nhớ, rụng tóc, thậm chí rụng hết lông mày. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là sự trùng hợp, ví dụ như trùng với giai đoạn cơ thể, tuổi tác gây suy giảm trí nhớ.
Hiện nay, không có bằng chứng nào chứng mình nguyên nhân do chích vaccine ngừa COVID-19 với các biểu hiện trên. Mục đích của tiêm vaccine là phòng ngừa những biến chứng do COVID-19 gây ra nên việc này là cần thiết.
Hiện nay, nhiều người quan tâm đến việc ăn cái gì để cải thiện trí nhớ. Chúng ta nên biết là cấu tạo tế bào não cần chất béo, chất béo cũng là nguồn cung cấp năng lượng cho con người. Dù là người bị béo phì cũng cần cung cấp chất béo với lượng phù hợp.
Bên cạnh đó, chất sắt giúp ngừa thiếu máu, hỗ trợ trí nhớ. Bổ sung các loại rau đậm màu, củ quả... cũng là biện pháp tốt để cải thiện trí nhớ.
Ngoài ra, mỗi chúng ta cần nghỉ ngời và giảm bớt căng thẳng, điều này sẽ giúp cho chúng ta giảm bớt việc hay quên. Ngoài ra, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng hỗ trợ cải thiện trí nhớ.
Xin khẳng định lại một lần nữa là chích vaccine ngừa COVID-19 không làm ảnh hưởng đến trí nhớ.
Hiện nay trên mạng xã hội giới thiệu nhiều loại sản phẩm bổ sung collagen. Thực tế, collagen giúp da săn chắc, nếu da thiếu loại chất này sẽ đẫn đến bị lão hóa nhanh, chảy sệ....
Tuy nhiên, mỗi người khi gặp vấn đề thì chúng ta nên khám và uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng bổ sung theo hướng dẫn của bác sỹ, không nên tự ý sử dụng và quá tin theo các sản phẩm quảng cáo trên mạng.
Khi chúng ta đi khám, bác sỹ là người có chuyên môn, sẽ cho xét nghiệm để biết rõ được cơ thể cần bổ sung gì, liều lượng ra sao. Không phải cứ da xấu là bổ sung collagen sẽ tốt lên vì có thể cơ thể đang thiếu dưỡng chất khác.
Do đó, bác sỹ sẽ có những nhận định chính xác cho từng người dựa trên kết quả khảo sát cụ thể.
Việc tham khảo các bài review trên mạng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, mỗi cá nhân chúng ta cần cân nhắc và bổ sung cho mình những kiến thức về an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn.
Chúng ta cần hiểu như thế nào là bữa ăn đầy đủ, hợp lý và an toàn, đặc biệt là giá trị dinh dưỡng của bữa ăn.
Ảnh minh họa |
Thông thường, một người ăn hàng quán quá nhiều cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ. Do đó, khi đi ăn bên ngoài chúng ta cần lựa chọn quán ăn phù hợp, đảm bảo vệ sinh, chọn lọc một số món sao cho phù hợp với thể trạng. Thông tin mạng xã hội thì rất nhiều nên cần có sự sàng lọc.
Sức khẻo là của mình, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân nên chúng ta phải đánh giá được sức khoẻ của mình hiện đang như thế nào. Chúng ta nên trang bị các kiến thức cơ bản về an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của mỗi món ăn.
Nếu 5000 một bữa hay 10.000 tôi nghĩ là khó mà thực hiện được. Bản thân tôi cũng đi chợ nhiều nên những bữa ăn như vậy chúng ta cần bàn đến một số vấn đề.
Đầu tiên cần nói về chất lượng phải có để đảm bảo tốt , an toàn cho sức khoẻ. Có những hậu quả thấy được ngay nếu sử dụng thực phẩm không an toàn như đi ngoài, nôn ói thì có thể nhận biết được ngay. Tuy nhiên, một số sản phẩm có chất lượng không tốt thì tác hại phía sau có thể rất lâu mới nhận ra. Nên chúng ta cần cẩn trọng, ưu tiên lựa chọn thực phẩm an toàn, chất lượng.
Việc an toàn thực phẩm có được đảm bảo hay không, chất lượng ra sao khi bỏ ra chi phí quá thấp, điều này thấy rõ là rủi ro. Nếu mua một quả trứng cũng đã tốn 3000, miệng đậu hũ cũng 5000 rồi, còn chi phí rau xanh thì sao?
Nếu áp dụng các thử thách này thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khẻo sau này nên các bạn trẻ nên lựa chọn phù hợp.
Mụn không phải là nguồn quan tâm của riêng phụ nữ mà cả nam giới. Nổi mụn có phải do ăn đồ nóng hay không, đó là một vấn đề chúng ta cần quan tâm. Nổi mụn có thể bệnh lý về gan, do cơ địa, do tuổi dậy thì, da nhờn hay khô cũng ảnh hưởng hay thậm chí không biết cách vệ sinh, hoặc do bệnh lý.
Nguyên nhân gì thì chúng ta nên đi khám tại các bệnh viên có khoa da liễu, điều trị sẽ hiệu quả hơn.
Chúng ta cần lưu ý rằng chế độ dinh dưỡng góp phần hạn chế việc nổi mụn, nếu chế độ ăn quá nhiều đường như ăn bánh ngọt, nước ngọt, ăn chè hay như trà sữa cũng có thể gây nổi mụn, hay chất béo cũng có thể ảnh hưởng.
Rau xanh giúp hạn chế việc nổi mụn bởi vì trong rau nhiều vitamin khoáng chất giúp da khoẻ hơn, ăn thiếu rau cũng có thể gây mụn nhọt.
Thông thường khi đi khám bác sỹ da liễu thường cho uống vitamin, chúng ta có thể bổ sung thêm rau xanh đậm, vitamin A trong cà rốt. Rau còn có chất xơ, giúp cho cơ thể thải bớt chất độc, tiêu hóa tốt hơn, phòng táo bón.
Cần lưu ý chế độ ăn hạn chế đường, chất béo mà ăn nhiều rau xanh với lượng 400g/ngày cho người trưởng thành.
Ngoài ra, nước uống cũng giúp cơ thể giúp chúng ta thải độc, người bình thường cần uống 2 lít/ngày, còn nếu ở môi trường nóng hơn thì cần cung cấp nhiều hơn người bình thường.
Bữa sáng là quan trọng nhất với chúng ta bởi vì sau giấc ngủ cơ thể đã có một khoảng thời gian dài không được cung cấp năng lượng. Theo khuyến cáo thì không được bỏ bữa sáng, đặc biệt đối với người mắc bệnh béo phì. Việc ăn no vào bữa sáng sẽ không gây béo phì bằng các bữa ăn tối.
Như chúng ta cũng biết, sáng đi làm, tất bật các công việc cho gia đình nên để chuẩn bị một bữa sáng như một vị vua thì hơi khó và nhiều người cũng có quan niệm là để có một bữa sáng đủ dưỡng chất cũng rất khó. Trên thực tế, điều này không quá khó khăn.
Bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng là đủ, ví dụ như mì gói có đủ tinh bột nhưng thiếu chất đạm và rau xanh thì chúng ta nên bổ sung một quả trứng và ít rau xanh.
Nguyên tắc là ăn đủ nhóm dưỡng chất trong ba bữa một ngày để đảm bảo sức khoẻ để đủ sức khoẻ cho một ngày làm việc.
Hay như một đĩa bánh cuốn gồm có chả, bánh cuốn và và ít rau giá là cũng đã đủ nhóm dưỡng chất phù hợp. Do đó, người dùng cần cân đối để phù hợp và không bỏ bữa sáng.
Đặc biệt, một số người béo phì thường có thói quen bỏ bữa tối như một biện pháp giảm cân song những người bệnh này không nên bỏ. Thay vào đó hãy ăn no vào bữa sáng, ăn trưa ít hơn một chút và ăn tối ít hơn một chút nữa để đảm bảo sức khỏe.
Cám ơn câu hỏi của anh Hùng. Câu hỏi này tưởng chừng đơn giản nhưng khá phức tạp về mặt pháp lý. Trước hết về mặt y học chúng ta định nghĩa thực phẩm gia truyền tức là truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, làm sao để chứng minh thì không rõ.
Về mặt pháp lý thì pháp luật chúng ta không cấm kinh doanh thực phẩm gia truyền và luôn đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, đối với kinh doanh thực phẩm, kể cả thực phẩm gia truyền thì cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh của pháp luật chẳng hạn như an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh theo quy định. Trường hợp là thực phẩm chức năng cần phải đáp ứng các điều kiện đặc thù theo quy định chung của Bộ Y tế.
Do đó kinh doanh đúng với các điều kiện theo quy định pháp luật thì vẫn được cho phép. Nếu như các cá nhân tổ chức kinh doanh cố tình lạm dụng như vi phạm pháp luật về quảng cáo, đăng tải thông tin sai sự thật thì sai đến đâu xử lý đến đó theo đúng các quy định pháp luật như xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như các trường hợp đã nêu trước đó.
Vừa qua có thông tin về 8 sinh viên ngộ độc do uống rượu pha với nước ngọt. Để xác định được vấn đề đến từ đâu, chúng ta cần biết lượng rượu đảm bảo an toàn cho cơ thể con người.
Thông thường cơ thể chỉ nên cung cấp dưới 1 đơn vị cồn, ví dụ như tương ứng với 1 lon bia, 100ml rượu vang… Riêng việc uống lượng cồn quá nhiều đã có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ rồi.
Việc rượu pha với nước ngọt có dẫn đến ngộ hay không cần có những xét nghiệm về nguồn gốc rượu, rượu mà không được sản xuất đúng quy trình, liều lượng sẽ gây hại đến sức khoẻ.
Ảnh minh họa |
Do đó, chúng ta phải có xét nghiệm thành phần bên trong để biết được tác nhân đến từ đâu.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đã khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
Đây là câu hỏi hay và là nỗi trăn trở của nhiều người.
Đối với các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp dù nó không lây nhiễm nhưng đang gia tăng cao ở nước ta. Bộ Y tế cũng đang có những hành động để ngăn ngừa sự gia tăng, đáng chú ý là thời gian gần đây số lượng người bệnh càng gia tăng, thậm chí nhiều bạn trẻ cũng bị.
Những thông tin hướng dẫn điều trị không rõ nguồn gốc trên mạng theo "các bác sỹ online" có liệu trình chỉ một lần là không đáng tin, người dân không nên nghe theo.
Các loại bệnh như đái tháo đường, huyết áp đòi hỏi chúng ta phải điều trị suốt đời, đi theo mình để đảm bảo sự ổn định. Theo đó, uống thuốc tây cần có liều lượng áp dụng, nếu không biết được thành phần bên trong đó gồm những gì thì không thể khẳng định được là nó có hiệu quả hay không.
Tôi cũng xin nhấn mạnh là quảng cáo chỉ cần một liệu trình để chữa đái tháo đường là hoàn toàn sai.
Nói mì ăn liền gây ung thư, béo phì, bệnh tim mạch là không chính xác và chưa có căn cứ khoa học đầy đủ.
Mì ăn liền được chế biến như thế nào, có chứa chất độc hay chất gây hại cho sức khỏe không....?
Mì ăn liền được sản xuất bằng nguyên liệu chính là bột lúa mì, một số chất phụ gia tạo độ dai, giòn cho sợi mì và hương vị thích hợp. Các phụ gia được sử dụng đều thuộc loại được phép sử dụng với liều lượng quy định. Các chất không nằm trong danh mục cho phép đều bị cấm sử dụng. Do đó về nguyên tắc, nguyên liệu đưa vào sản xuất là không có chất độc hại cho cơ thể người tiêu dùng.
Sợi mì ăn liền có hai dạng cơ bản được hình thành qua chế biến là sợi mì chiên (trong dầu) và sợi mì không chiên (sấy khô).
Quá trình chiên sợi mì thường sử dụng loại dầu chứa ít các acid béo không no để hạn chế việc phân hủy dầu thành các acid béo tự do và hình thành chất peroxide hoặc chất béo chuyển hóa.
Các chỉ số acid béo tự do và peroxide trong sợi mì thường đạt yêu cầu, bằng chứng là các loại mì ăn liền đều không bị phát hiện vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Hiện nay với quy trình cải tiến và thiết bị hoàn chỉnh, chất lượng sợi mì được nâng cao hơn trước nhiều.
Pháp luật về quảng cáo quy định việc quảng cáo thực phẩm chức năng rất nghiêm ngặt. Ví dụ như nội dung quảng cáo thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Quảng cáo thực phẩm có các nội dung: Tên thực phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; quảng cáo thực phẩm chức năng phải có nội dung về tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); phải có khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. (Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP).
Luật sư Kiều Anh Vũ |
Hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, về trách nhiệm hành chính, theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Theo khoản 3 Điều này, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Điểm b khoản 4 Điều 23 Nghị định 115/2018 cũng quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo, cải chính thông tin.
Ngoài ra, điểm a, điểm b khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng đối với hành vi: Quảng cáo sai sự thật (không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, xuất xứ, bảo hành...) hoặc quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng.
Ngoài phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng cho hành vi quảng cáo sai sự thật nêu trên bao gồm buộc tháo dỡ, tháo gỡ hoặc xoá quảng cáo và buộc cải chính thông tin.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 197 BLHS hiện hành quy định về tội quảng cáo gian dối với khung hình phạt cao nhất lên đến năm năm tù, cụ thể như sau:
“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Thạc sĩ-Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh. Ảnh: MINH HOÀNG |
Để cơ thể khỏe mạnh, bạn cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân đối. Cụ thể là:
- Cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể phù hợp với lứa tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý (đang mang thai, đang cho con bú), tính chất nghề nghiệp và tình trạng bệnh lý theo khuyến cáo.
- Ăn đủ 3 bữa chính, không bỏ bữa, có thể thêm bữa phụ tùy theo nhu cầu của từng cá thể.
- Bữa ăn chính cần đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm bao gồm carbohydrate (cơm, mì, bún, khoai…), protid (thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu…), lipid (dầu thực vật, mỡ cá…), rau củ quả và trái cây các loại.
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Hạn chế ăn mặn và các thực phẩm chứa nhiều muối như mắm, cá khô, dưa cà muối…
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể từ 1,5 – 2 lít mỗi ngày.
Cân nặng 80 kg, cao 1m60, chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index) của bạn là 31,25kg/m2. Với chỉ số BMI như vậy bước đầu bạn sẽ được chẩn đoán là béo phì (theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới).
Tuy nhiên, cũng cần thực hiện thêm một số xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị như đánh giá tỉ lệ mỡ của cơ thể, đo khối cơ và một số xét nghiệm máu khác.
Nếu được chẩn đoán béo phì thì cách giảm cân như bạn uống nước ép, chạy bộ, cắt giảm tinh bột cũng là một trong những biện pháp hỗ trợ nhưng bạn cần xem lại việc thực hiện những biện pháp trên có thực sự đúng hay chưa.
Đơn cử trong việc uống nước ép, nếu nước ép từ trái cây thì một số loại trái cây có lượng đường cao, để ép nước lại phải dùng lượng lớn trái cây nên dùng thường xuyên vô tình bạn càng nạp nhiều năng lượng vào cơ thể. Thay vì ép trái cây bạn nên ăn như bình thường sẽ có cả chất xơ để hạn chế hấp thu đường vào máu quá nhanh, lượng ăn trái cây cũng ít lại và tạo cảm giác no lâu. Nên sử dụng trái cây ít ngọt như thanh long, ổi, mận, bưởi, củ sắn…
Chiến lược điều trị béo phì bao gồm thay đổi lối sống (kiểm soát chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường vận động, quản lý căng thẳng, quản lý giấc ngủ) là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, sử dụng thuốc và can thiệp phẫu thuật cũng được áp dụng trong điều trị nhưng phải theo đúng chỉ định.
Không phải tất cả các loại thuốc được quảng cáo trên mạng hiện nay đều hiệu quả và an toàn. Vì vậy, bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Chế độ ăn giảm chất bột đường (ít carbohydrate) là một chiến lược để giảm cân đã được áp dụng từ rất lâu. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng từ nhiều đánh giá có hệ thống cho thấy chế độ ít carbohydrate có hiệu quả đối với việc giảm cân.
Có ba chất dinh dưỡng đa lượng cung cấp năng lượng cho cơ thể được tìm thấy trong thực phẩm bao gồm carbohydrate (4 Calo/gam), lipid (9 Calo/gam) và protid (4 Calo/gam). Không chỉ cung cấp năng lượng, carbohydrate, protid và lipid còn tham gia vào các chức năng quan trọng khác của cơ thể.
Nhóm tinh bột |
Để giảm cân hiệu quả và an toàn, trọng lượng cơ thể chỉ giảm ở giới hạn cho phép trong khoảng thời gian quy định. Cung cấp chế độ dinh dưỡng hỗ trợ giảm cân cần giảm năng lượng nhưng vẫn phải cân đối về tỉ lệ các chất sinh năng lượng theo khuyến nghị.
Cắt bỏ hoàn toàn tinh bột trong chế độ ăn để giảm cân chưa được khuyến nghị và không an toàn cho sức khỏe, bởi khi cung cấp không đủ carbohydrate, cơ thể sẽ phân hủy protid, lipid để tạo ra năng lượng.
Quá trình này sẽ tạo ra tình trạng ketone, có tính acid gây ra hiện tượng mất cân bằng kiềm-toan (tạo ra tính axit trong cơ thể), tăng LDL-cholesterol (cholesterol xấu), giảm HDL-cholesterol (cholesterol có lợi), thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu, gây ra các tình trạng loãng xương, thiếu chất xơ làm tăng tình trạng táo bón...
Thức ăn nhanh, ăn liền hiện nay xuất hiện rất nhiều tại thị trường Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Theo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 cho thấy 54,1% học sinh 13 – 17 tuổi sử dụng thức ăn nhanh ít nhất một lần trong tuần, trong đó 17,09% học sinh ăn tại các cửa hàng đồ ăn nhanh ít nhất ba ngày trong tuần.
Sử dụng thức ăn nhanh là xu hướng yêu thích của giới trẻ vì nó thực sự tiện lợi, không mất thời gian chế biến và một số sản phẩm giá thành rẻ hơn so với thực phẩm tươi sống.
Thạc sĩ-Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh (ngồi giữa), Trưởng khoa Dinh dưỡng-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trả lời bạn đọc. Ảnh: MINH HOÀNG |
Thức ăn nhanh không nhất thiết là xấu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng thức ăn nhanh, ăn liền dẫn đến không đủ về các chất dinh dưỡng, chứa nhiều năng lượng, dư hoặc thiếu các chất như nhiều carbohydrate, đường, muối, chất béo không lành mạnh, ít chất xơ, thiếu vitamin và khoáng chất.
Bất kỳ một thực phẩm nào nếu sử dụng quá nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thức ăn nhanh, ăn liền cũng không ngoại lệ. Vì vậy, khi sử dụng thức ăn nhanh chúng ta phải biết lựa chọn, không lạm dụng và biết cách phối hợp, bổ sung thêm thực phẩm khác để cân đối về dinh dưỡng và tiêu hóa tốt hơn.