Anh công nhân dạy kèm miễn phí cho trẻ nghèo

Tan giờ làm, anh Hoàng Trọng Khánh, công nhân phân xưởng thuốc sát trùng Công ty liên doanh Bio-Pharmachemie, quận 9 (TP.HCM), lại vội vã trở về phòng trọ với lớp dạy kèm miễn phí cho trẻ em nghèo quanh khu vực. Công việc này đã được anh thực hiện trong suốt bảy năm qua.

Tới đường 22, phường Phước Long B, quận 9, hỏi “lớp học chú Khánh” thì từ già đến trẻ đều đáp “Lớp học chú Bio à, gần tới rồi cô”.

Tự mở lớp đón học trò nghèo

Đúng 18 giờ, căn phòng trọ số 15/5 vang lên tiếng thầy giáo giảng bài, xen lẫn tiếng bàn tán xôn xao của lũ trẻ. Một buổi học lại sắp bắt đầu.

Dù lương công nhân thấp nhưng chính anh đã tự bỏ tiền túi mua bảng, bàn ghế, sắm sửa quạt… mở lớp đón học trò nghèo xung quanh tới học. Ban đầu chỉ 3-5 em nhưng tiếng lành đồn xa, đến nay lớp học đã có hơn 20 em với đủ các khối từ 6 đến 9, trong đó có mấy em là con của đồng nghiệp cùng công ty. Mỗi tối anh dành hơn hai tiếng để dạy cho các em. Các em học sinh khối 9, 8 sẽ học ở lầu một, còn học sinh lớp 6, 7 học ở tầng trệt của căn nhà trọ.

Tùy vào từng chương trình của mỗi lớp, anh sẽ soạn giáo án khác nhau cho phù hợp. Đây là thời điểm các em chuẩn bị ôn thi học kỳ nên anh tập trung ra đề thi và hướng dẫn cho các em làm bài. Mỗi bài kiểm tra đạt điểm cao, anh đều có phần thưởng đi kèm để khuyến khích.

Chăm chú ghi chép, em Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh lớp 9, cho biết em đã theo “lớp học chú Bio” trong suốt hai năm qua. “Lúc học trên trường có những kiến thức em khó hiểu. Thế nhưng theo học lớp này, em được chú chỉ dạy tận tình. Ngoài những kiến thức trong sách vở, chú còn dạy chúng em về cách sống, cách làm người” - Phương Thảo cười đáp.

Cha mẹ là dân lao động, điều kiện không cho phép để em Nguyễn Viết Anh Nhật, học sinh lớp 8 đi học thêm như các bạn trong lớp. “May có chú Khánh mở lớp nên em mới có cơ hội bổ sung thêm kiến thức. Chú dạy rất dễ hiểu nên em tiếp thu bài khá nhanh. Hơn nữa, học ở đây khá thoải mái, chú không chỉ dạy học, đôi khi chú còn tổ chức trò chơi cho chúng em” - Việt Anh nhanh nhảu đáp.

20 giờ 30, lớp học tan cũng chính là lúc anh Khánh có một ít thời gian dành cho riêng mình sau một ngày dài làm việc miệt mài.

Trong căn phòng trọ nhỏ, anh Khánh đang chỉ bài cho các em. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Còn sức thì còn dạy

Sinh ra ở TP Huế, mẹ sang Đức lập nghiệp khi anh mới bốn tuổi. Sau đó, cha mẹ mỗi người đi tìm tổ ấm riêng cho mình. Mấy anh em của anh phải tự lo cho cuộc sống và đùm bọc nhau từ nhỏ. Chính vì thế, anh Khánh luôn đầy tình yêu thương và có sự đồng cảm với những mảnh đời khó khăn, gian khổ.

Chia sẻ về việc làm của mình, anh Khánh cho biết nó đến với anh rất tình cờ. Bảy năm trước, trong một lần đến chơi nhà bạn, thấy đám trẻ tranh luận về bài toán khó. Anh tới góp ý và hướng dẫn cách giải. Kể từ đó, hễ có bài tập, mấy đứa lại đến tìm anh. “Mặt khác, qua tìm hiểu tôi thấy nhiều em gia đình xung quanh học không theo kịp chương trình. Hơn nữa, phần lớn các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học thêm ở ngoài. Vì thế, tôi quyết định mở lớp dạy kèm ở nhà vào mỗi tối với hy vọng có thể giúp các em nắm vững kiến thức, xóa bỏ sự mặc cảm, tự ti với bạn bè” - anh Khánh nói.

Việc làm của anh Khánh nhận được sự đồng tình và ủng hộ của ban lãnh đạo công ty cũng như đồng nghiệp. Đó là yếu tố quan trọng khiến anh có thể duy trì lớp học trong suốt một thời gian dài. “Vào thời điểm các em tập trung ôn thi như tháng 12 hay tháng 5, tôi được miễn tăng ca để có thời gian dạy kèm thêm cho mỗi đứa. Tính chất công việc làm theo dây chuyền, vắng tôi mọi người sẽ vất vả hơn nhưng ai cũng vui vẻ nhận lời” - anh Khánh nói. 

Công việc này cũng không dễ dàng gì. Để dạy các em, bản thân anh phải tự cập nhật và bổ sung thêm kiến thức mới. Anh thường xuyên tham gia các diễn đàn giáo viên trên mạng để học hỏi thêm. Thậm chí anh còn hỏi học sinh số điện thoại của cô giáo rồi liên hệ trao đổi, tương tác trực tiếp về các bài tập, cách dạy sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, anh còn mua thêm sách về tự nghiên cứu để có thể giải đáp hết các thắc mắc của học trò.

Làm việc cả ngày trong phân xưởng, công việc mệt mỏi và áp lực nhưng mỗi khi đi làm về nghe tiếng “chú Khánh ơi” của mấy đứa nhỏ anh lại thấy ấm áp, có thêm động lực. “Có nhiều em là học sinh giỏi của trường, của khối. Để khuyến khích các em say mê học tập, tôi thường trích tiền thưởng quý, thưởng tăng ca, thưởng Tết để mùa quà tặng cho các em” - anh Khánh chia sẻ.

Khi được hỏi sống sao khi hết lòng lo cho đám trẻ, anh cười hiền: “Tôi độc thân, sống sao cũng được, chỉ lo mấy đứa trẻ, con nhà nghèo không có điều kiện học thêm lại có nguy cơ bỏ học nên tôi làm thôi. Chỉ mong các em luôn tiến bộ và đi học đầy đủ là tôi vui rồi”.

Ngoài công việc ở công ty, chiều về anh Khánh còn tranh thủ thời gian chăn nuôi gà. Từ một con gà ban đầu giờ đây anh đã có nguyên một đàn gà. “Gà và trứng gà tôi không bán, chủ yếu cho học sinh mang về nhà làm thực phẩm. Bởi vì điều kiện và hoàn cảnh của các em cũng không khá giả gì” - anh Khánh nói.

Với việc mở lớp dạy kèm miễn phí cho trẻ em nghèo, anh Khánh luôn nhận được sự yêu mến, tri ân từ các phụ huynh có con theo học. Đặc biệt, mới đây anh còn được Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM tặng bằng khen về gương “người tốt, việc tốt”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới