Tháng nào cũng vậy, anh Nguyễn Thanh Quang (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) lại lọ mọ khắp các ngõ ngách ở Sài Gòn tìm đến nhà những cụ già để tặng quà, chăm sóc và trò chuyện cùng họ. Ngót nghét vậy mà cũng đã hơn 30 năm anh gắn bó với công việc này…
Dù bệnh tai biến nhưng không quên người già
Từng làm đầu bếp bảy năm tại bệnh viện, đến năm 2018 anh Quang bị bệnh tim, phải dừng hẳn công việc đầu bếp. Sau khi hồi phục, anh tự kinh doanh ở nhà và lấy tiền lời được để tiếp tục đi làm từ thiện.
Trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Khương An, quận Gò Vấp, từ xa chúng tôi đã thấy anh Quang tỉ mỉ gói ghém từng phần quà để chuẩn bị đi trao tặng cho các cụ già.
Loay hoay gói quà rồi cười cười nói chuyện với chúng tôi, anh kể: “Từ nhỏ tôi đã đi làm việc thiện, giống như mình đi đường thấy người kém may mắn hơn mình, mình thấy thương. Ban đầu tôi chỉ biết có 5-6 hộ, tôi mua gạo rồi gửi cho các cụ. Sau này từ vài hộ lên thành nhiều hộ, bạn bè tôi kêu đăng Facebook để được nhiều người biết đến hơn và giúp được nhiều hoàn cảnh hơn”.
“Chỗ nào tôi biết thì tôi tìm tới và giúp họ. Như về quê vợ ở dưới Kiên Giang có những cụ đã 84 tuổi rồi thèm ăn gà mà khó khăn quá, không đi lại được nên tôi cũng mua cho cụ ăn. Mình cho những cái người ta cần chứ không phải cho những thứ người ta không ăn được” - anh Quang nói.
Không chỉ xem những cụ già khó khăn là người cần giúp đỡ, anh Quang còn coi họ là những người cô, người chú thân tình của mình. Mỗi lần gặp họ cho một phần quà, anh Quang lại niềm nở hỏi thăm, trò chuyện cùng họ để xua đi nỗi cơ cực của cuộc sống.
Vừa nuôi vợ khỏi bệnh, anh Quang lại bị tai biến ập tới nhưng trong suốt quá trình đó, anh vẫn không quên những người khốn khó. Anh Quang nhờ hai con của mình cùng những người bạn giúp anh chăm sóc các cụ.
Anh Quang gửi ve chai, quà bánh và tiền hỗ trợ cho bà Trương Thị Lắm. ảnh: NGUYỄN TIẾN
Cho đi để nhận lấy nụ cười
Bà Trương Thị Lắm ngụ quận Bình Thạnh, mặc dù đã 76 tuổi nhưng vẫn cặm cụi đi lượm ve chai từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng mới về. Thân già một mình nuôi chị và em không có khả năng lao động, may mắn bà gặp được anh Quang hỗ trợ. Cứ mỗi tháng anh lại hỗ trợ bà và những người thân một ít tiền cùng các nhu yếu phẩm trang trải cuộc sống.
Cũng khó khăn như bà Lắm, lặn lội từ Lâm Đồng xuống TP.HCM bôn ba suốt mấy chục năm qua, bà Nguyễn Thị Giá nay đã 85 tuổi, một mình thân già bán vé số sống qua ngày.
“Bà vui lắm, mình ăn nhiều khi ứa nước mắt. Chú đó ưa cho bà hai phần. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, người ta cho mình nên quý lắm. Bà quen chú đó đã hơn bảy năm nhưng không biết tên, may tụi cháu nói nên bà mới biết chú là tên Quang đó chứ. Chú Quang cứ hay lại đây cho bà bánh và sữa, đôi lúc lại trò chuyện cùng với bà cho đỡ buồn” - cầm gói quà, bà Giá ứa nước mắt nói.
Mấy chục năm làm việc thiện nguyện, điều anh Quang nhận lại không là gì ngoài hai từ “niềm vui”. Chỉ cần mỗi món quà anh Quang tặng và nhận được lời cám ơn cùng nụ cười niềm nở là anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
“Đối với tôi mà nói, làm công việc này khiến tôi vui, tôi hạnh phúc, chứ bản thân tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện tích đức gì cả. Nên mỗi lần tôi đến thăm các cụ, tôi cũng không để lại tên tuổi gì hết. Tôi nghĩ của cho là của để dành, cứ cho đi rồi nó sẽ vẫn còn ở đó mãi mãi cho con cháu đời sau” - anh Quang bộc bạch.
Hiện tại, mỗi tháng anh Quang tặng quà cho khoảng 55 cụ già ở các quận khác nhau trong TP.HCM. Ban đầu có nhiều người bạn cùng đồng hành, cùng đi phát quà nhưng vì công việc nên ai cũng dần từ bỏ, chỉ còn mình anh đơn lẻ tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, họ vẫn góp chi phí, nhu yếu phẩm để anh tiếp tục hành trình. Ngoài ra, anh Quang còn chia sẻ cho các cô chú lượm ve chai, bán vé số trên các nẻo đường mà anh từng đi qua. Anh tâm sự: “Mỗi lần đi ra ngoài, trên xe tôi đều chất đầy quà bánh. Đi đến đâu gặp những người lượm ve chai, bán vé số cơ cực, tôi lại dừng xe gửi họ một phần. Tôi nhớ có lần đang đi dọc đường trời mưa thấy cô bán vé số ngồi đụt mưa, cô đói bụng không có gì ăn, tôi gửi cô phần bánh với sữa, cô ăn no rồi mỉm cười mà khiến tôi vui trong lòng”. |