Anh điều tra vụ thư mật 'đi lạc' đến đồng minh của Nga

(PLO)- Lỗi đánh máy khiến quân đội Anh gửi nhầm thư mật, thay vì đến Mỹ thì lại đến Mali - một đồng minh của Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhà chức trách Anh ngày 28-7 cho biết họ đang điều tra việc các email của Bộ Quốc phòng bị gửi nhầm địa chỉ, sau khi có báo cáo rằng các thông tin dành cho tình báo quân đội Mỹ cuối cùng đến tay Mali - một đồng minh của Nga do lỗi đánh máy. Báo Anh The Times đưa tin các quan chức Bộ Quốc phòng đã cố gắng liên lạc với Lầu Năm Góc, có tên miền là “.mil” nhưng lại vô tình gửi thư đến Mali, có tên miền là “.ml”.

Lỗi đánh máy khiến quân đội Anh gửi nhầm thư mật. Ảnh minh họa: THE GUARDIAN

Lỗi đánh máy khiến quân đội Anh gửi nhầm thư mật. Ảnh minh họa: THE GUARDIAN

Anh cho biết thông tin bị chia sẻ nhầm không có tính nhạy cảm cao. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh (MoD) nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi đã mở cuộc điều tra sau khi một số lượng nhỏ email bị chuyển nhầm đến một tên miền email không chính xác”.

Theo quan chức này, tất cả thông tin nhạy cảm được chia sẻ trên các hệ thống đều được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ lạc hướng.

“MoD liên tục xem xét các quy trình của mình và đang phát triển một chương trình làm việc nhằm cải thiện công tác quản lý thông tin, ngăn ngừa tình trạng mất dữ liệu và kiểm soát thông tin nhạy cảm” - phát ngôn viên Anh cho biết thêm.

Mali, quốc gia ở miền Tây châu Phi, đã tăng cường quan hệ với Nga kể từ cuộc đảo chính năm 2021 trong khi tách mình khỏi Pháp và các quốc gia phương Tây khác. Tháng trước, chính phủ Mali đã yêu cầu một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc rời nước này.

Mali cũng nằm trong sáu quốc gia châu Phi được Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27-7 hứa cung cấp ngũ cốc miễn phí sau khi thỏa thuận Biển Đen với Ukraine sụp đổ. Lính đánh thuê Wagner cũng đã được triển khai ở Mali để chiến đấu bên cạnh quân đội nước này nhằm chống lại các phần tử thánh chiến, theo báo The Guardian.

Đầu tháng này, giới chức Mỹ cũng mắc lỗi tương tự, khiến hàng triệu email quân sự của họ được gửi tới Mali.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm