Anh hùng Nguyễn Văn Bảy lội đồng hái sen ở tuổi 83

Dù ở tuổi 83, ông Bảy vẫn lội đồng hái sen, bắt cá làm mồi nhậu mỗi khi có khách đến nhà… Lúc nào ông Bảy cũng cười hiền khô, rõ thật nhân cách người lính Cụ Hồ ngời sáng.

Clip: Mô hình bắn rơi máy bay Mỹ của ông Nguyễn Văn Bảy
“Tao có duyên với con số 7”

Lần đầu tiên tiếp xúc với ông Bảy, chúng tôi bị cuốn hút bởi chất Nam bộ của ông qua cái áo, chiếc khăn rằn và đặc biệt là những khẩu ngữ đặc sệt Nam bộ hay như cách ông xưng tao, gọi mày. Ông Bảy nói: “Cuộc sống của tao bây giờ gắn bó với ao cá, ruộng sen và mấy cái dơn đặt cá dưới sông. Một ngày không lao động là tao khó chịu lắm, mặc dù cuộc sống của tao được Nhà nước lo rất đủ đầy”.

Sau khi giở mấy cái dơn dưới sông, ông Bảy bước lên bờ mang theo túi cá nặng trịch. Ông lựa mấy con cá lau kiếng, mè vinh… dành lại đãi khách. Số còn lại ông mang thả xuống cái ao sau nhà để khi nào cần ăn, chỉ cần thả lưới là có cá ăn, có mồi đãi khách.

Ngụm một tách trà nóng, ông Bảy nói: “Cuộc đời tao có duyên với con số 7 thì phải. Sinh ra cha mẹ đã đặt tên Bảy. Rồi học bảy ngày lên bảy lớp; năm 1966-1967 bắn rơi bảy máy bay Mỹ…”.

Ông rôm rả kể câu chuyện bỏ nhà đi theo bộ đội vì cha mẹ bắt cưới vợ. Theo ông Bảy, năm đó ông vừa 18 tuổi, cha mẹ bắt ông cưới vợ. Ông hoảng quá, không còn cách nào khác, ông quyết định bỏ nhà trốn theo bộ đội. Cũng may thời đó ông có tài bắt cá, bẫy chuột, trồng rau giỏi… nên bộ đội tiếp nhận để tăng gia, cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Năm 1954 ông được chọn vào lính bộ binh.

Đến năm 1958, trung ương đến chọn ông vào lính phi công. Theo ông, thời điểm đó mỗi sư đoàn chỉ chọn ba người vào lính phi công và ông chẳng ngờ rằng một người lính học mới lớp 3, thuộc tầng lớp bần nông như ông lại được trung ương chọn học lái máy bay.

Nhiều năm qua, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vui thú điền viên tại quê nhà Lai Vung,  Đồng Tháp. Ảnh: VẠN LÝ

Ông Bảy kể: “Do đòi hỏi lính phi công phải học tối thiểu lớp 10 để biết tính toán, chuyển động hóa… nên tao được bồi dưỡng lớp đặc biệt, học bảy ngày lên bảy lớp. Sau đó tao được cử đi Trung Quốc học lái máy bay quân sự”.

Đến năm 1965 ông Bảy trở về Việt Nam, thuộc biên chế Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Ông tham gia đánh 13 trận (từ năm 1966-1967) và bắn rơi bảy máy bay Mỹ trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội. Nhờ thành tích này, ông Bảy được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Sau chiến công ấy, chỉ huy có lệnh cho ông ngưng chiến đấu, sau đó cho ông đi học chỉ huy ở Liên Xô. Ông Bảy nói: “Khi bắn hạ được bảy máy bay, tao hăng lắm. Bởi vậy khi chỉ huy không cho lái máy bay chiến đấu nữa, tao tức lắm! Nhưng bây giờ mới hiểu, chỉ huy muốn giữ mình lại để truyền kinh nghiệm cho lứa sau, giữ mình lại để làm nhân chứng sống như bây giờ”.

Hôm 16-9 vừa qua, khi đang làm vườn, ông Bảy ngất xỉu và được người nhà chuyển đến BV đa khoa Sa Đéc, sau đó chuyển đến TP.HCM cấp cứu. Sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe ông Bảy được cải thiện nhưng vẫn đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực trong phòng cách ly. 

Thích cuộc sống ruộng vườn

Khi tiếp xúc với anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, điều làm chúng tôi bất ngờ đầu tiên là thân thể cứng cỏi, tay chân nhanh nhẹn và trí nhớ tuyệt vời của ông dù ông đã bước qua tuổi 83. Sau khi giới thiệu cho chúng tôi xem mô hình máy bay do chính tay ông tái dựng và những tấm ảnh kỷ niệm thời trai trẻ, ông Bảy dẫn chúng tôi ra thăm ao cá, ruộng sen sau nhà. Ông vững chãi đi trên chiếc cầu khỉ mà không cần sự trợ giúp nào.

Ông Bảy với tay hái một đài sen, bóc tách lấy ra từng hạt sen đưa cho mọi người ăn chơi. Vừa đi ông vừa chỉ tay những cây mãng cầu, cây xoài mà ông trồng cách đây vài năm đã bắt đầu cho trái. Riêng ruộng sen rộng khoảng 3.000 m2, ông trồng chỉ để cho vui, cho bà con hàng xóm khi cần, chứ không phải vì kinh tế.

Nhìn cuộc sống bình dị của ông, chẳng ai ngờ rằng ông Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có thành tích bắn hạ trên năm máy bay của đối phương.

Cuốn truyện ký về người anh hùng chân đất 


Anh hùng Nguyễn Văn Bảy tặng cuốn truyện ký cho Tướng Phan Khắc Hy trong một lần đến thăm ông. Ảnh: Phong Điền 

“Trân quý tấm chân tình chân chất của anh Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh em đồng đội chúng tôi đã chung tay hỗ trợ anh ra mắt cuốn truyện ký Người anh hùng chân đất dựa trên lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Bảy. Cuốn hồi ký đã khắc họa chân dung người nông dân chân đất gắn với vùng quê Nam bộ đi theo tiếng gọi cách mạng, trở thành phi công anh hùng, trở về với đời thường bình dị và sinh động như tính cách thường thấy ở anh.

Gắn bó với anh 10 năm trong quân ngũ, chúng tôi cảm nhận anh là con người chân chất của miền đất Nam bộ. Thế nhưng trong chiến đấu anh là một người hoàn toàn khác, luôn thể hiện bản lĩnh, gan góc, táo bạo, đầy sáng tạo. Chính anh đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ trong lực lượng phi công như chúng tôi”.

Đại tá NGUYỄN THANH BÌNH, nguyên Phó Giám đốc 
Xí nghiệp Hải Âu (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới