Ảnh khỏa thân: Cấp phép khó cỡ nào?

Rất nhiều báo đã giật tít như vậy khi đề cập đến triển lãm ảnh khỏa thân của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên tại Hội Mỹ thuật TP.HCM vào tối 15-9.

Trả lời truyền thông, đại diện Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM, là cơ quan cấp phép cho triển lãm này, không khẳng định đây là lần đầu tiên hay lần thứ mấy. Lãnh đạo Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) cũng cam đoan “không cấm” các triển lãm tranh, ảnh khỏa thân và thực tế thì đã có nhiều triển lãm tranh khỏa thân “rầm rộ”. Vậy tại sao từ sau năm 1975 đến nay, tức phải 40 năm, giới làm nghề và xã hội mới được đón nhận triển lãm chính thức về ảnh khỏa thân đầy hứng khởi như thế?

Trong hoạt động văn hóa nói chung, các nghị định có liên quan được ban hành trước năm 2016 đều cấm “truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục…”. Theo đó, trong hồ sơ xin cấp giấy phép để triển lãm mỹ thuật hay triển lãm ảnh, tổ chức, cá nhân thuộc địa phương phải có bản cam kết khi tổ chức triển lãm không vi phạm các quy định cấm, trong đó có điều cấm
nêu trên.

Với định nghĩa thông thường thì “dâm ô” là sự ham muốn nhục dục một cách xấu xa, nhơ bẩn. Còn “thuần phong mỹ tục” là phong tục tập quán, lối sống tốt đẹp, văn minh. Nếu áp các định nghĩa này vào các tranh, ảnh khỏa thân thì loại nào vi phạm, loại nào là sự tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ? Phải nói ngay là có rất nhiều trường hợp, nhất là đối với ảnh khỏa thân có làm lộ mặt của nhân vật, giữa các cơ quan quản lý và giới làm nghệ thuật đã không thể thống nhất đâu là cái đẹp và đâu là sự dung tục.

Đến khi có Nghị định 72/2016 về hoạt động nhiếp ảnh thì nhiều khúc mắc trong việc cấp giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh đã được giải tỏa. Đáng lưu ý là trong các điều cấm không còn cái gọi là “lối sống dâm ô đồi trụy”. Khoản 5 Điều 5 nghị định này yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhiếp ảnh “không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật”.

Tác phẩm tham gia triển lãm ngoài việc phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm đã được cấp giấy phép còn phải có nguồn gốc, xuất xứ và quyền sở hữu/quyền sử dụng hợp pháp. Không chỉ vậy, địa điểm tổ chức triển lãm cũng phải phù hợp tính chất, quy mô của triển lãm. Đặc biệt, đối với các tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân lộ rõ danh tính phải có văn bản thỏa thuận giữa người chụp ảnh và người được chụp về nội dung chụp, thời gian và phạm vi công bố tác phẩm. Khi đề nghị cấp giấy phép triển lãm, tổ chức, cá nhân phải cam kết chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh, quyền cá nhân đối với hình ảnh quy định tại Bộ luật Dân sự

Theo nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên, từ việc chuẩn bị kỹ càng sẽ làm cái gì, sẽ đưa ra cái gì mà anh không gặp trở ngại nào trong việc xin giấy phép triển lãm. Điều này hoàn toàn khác với những đàn anh đi trước của anh, trong đó có người có đến hai lần xin phép ở Hà Nội mà không được gật đầu.

Với ảnh của anh, giới chuyên môn có nhận xét chưa “cởi mở lắm” khi các ảnh đều không rõ mặt hay cơ thể trọn vẹn của người phụ nữ. Trong khi đó, khi xem trên các báo, đông đảo bạn đọc đã dành cho anh rất nhiều lời khen tặng, nào là ấn tượng, nào là nghệ thuật… Có lẽ lần đầu trình làng vậy là tuyệt vời rồi và giờ thì mọi người có thể yên tâm chờ những triển lãm lần sau hấp dẫn hơn thế nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm