Tuyên bố trên được các bộ trưởng hai nước đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nhằm ủng hộ kế hoạch của Mỹ tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông, thách thức các động thái quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Phát biểu tại diễn đàn an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho hay một nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với các trực thăng, máy bay của Anh sẽ đến Singapore vào tuần tới, sau đó “tiến vào một số khu vực nhất định” ở biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3-6. Ảnh: STRAITS TIMES
Không nêu đích danh Trung Quốc nhưng bà Parly phát tín hiệu rằng các tàu chiến này có thể di chuyển qua "vùng lãnh hải" mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép.
Bà Parly cho biết thêm mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết trong năm nay London sẽ điều ba tàu chiến tới biển Đông nhằm duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế dài lâu.
“Chúng tôi phải nói rõ rằng các nước cần tuân thủ luật pháp, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả” - ông Williamson nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 2-6 cũng lên tiếng chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại biển Đông. Ông Mattis nói rằng hành động của Trung Quốc buộc các nước phải đặt dấu chấm hỏi về mục đích lớn hơn của nước này.
Vị này kết luận các hoạt động của Trung Quốc đều không đóng góp cho an ninh hàng hải, thay vào đó liên quan trực tiếp tới mục đích quân sự, nhằm “đe dọa” và “chèn ép” các nước láng giềng. Ông Mattis khẳng định: “Mỹ sẵn sàng đối đầu mạnh mẽ với hành động của Trung Quốc ở biển Đông trong trường hợp cần thiết”.
Lầu Năm Góc đang cân nhắc về một chương trình chiến dịch tự do hàng hải cứng rắn hơn gần các điểm Trung Quốc chiếm đóng trái phép, hai quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao châu Á, phương Tây giấu tên am hiểu cuộc thảo luận cho biết, theo Reuters. Họ từ chối nói quy trình thông qua quyết định cuối cùng đang gần đến mức nào.
Động thái có thể bao gồm việc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hoặc trinh sát gần hơn các cơ sở Trung Quốc lắp đặt tại khu vực, hiện bao gồm thiết bị làm nhiễu điện tử và radar quân sự tân tiến.
Các quan chức Mỹ cũng hối thúc đồng minh và đối tác quốc tế tự tăng cường triển khai hàng hải thông qua tuyến thương mại then chốt, khi Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự phi pháp ở cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.