"CÂU CHUYỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI" KỲ 5:

Áp đặt việc nội trợ cho phụ nữ: Bị phạt đến 1 triệu đồng

Về ở nhà chồng, chị D. luôn nhận những lời chì chiết từ mẹ chồng và họ hàng vì “bắt chồng làm những việc của đàn bà”. Cạnh đó, do áp lực công việc chuyên môn nên chị D. khó lòng lo hết được việc nhà trong khi chồng chị lại có nhiều thời gian để lo cho gia đình hơn. Hiểu và thương vợ, chồng chị thường vào bếp nấu cơm những lúc vợ chưa về kịp, giặt đồ, lau nhà… Thấy vậy, mẹ chồng nhiều lần tỏ ra khó chịu, nặng nhẹ. Từ đó, quan hệ giữa chị D. với gia đình chồng căng thẳng hơn nửa năm nay nhưng chị vẫn chưa thể giải quyết ổn thỏa được.

Định kiến giới hình thành từ những giá trị văn hóa-xã hội nên có tính bảo thủ rất cao. Nhiều định kiến được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác nên khó thay thế hoặc xóa bỏ. Định kiến giới thường mang tính tiêu cực hướng đến phụ nữ, đơn cử như tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nam nội nữ ngoại”. Các nước phương Đông thường chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, áp đặt cho nam giới trách nhiệm chính là gánh vác vai trò nuôi sống gia đình; còn phụ nữ thì lo bếp núc, duy trì nòi giống (mang thai, sinh nở, nuôi con, chăm sóc người thân, nội trợ…).

Áp đặt việc nội trợ cho phụ nữ: Bị phạt đến 1 triệu đồng ảnh 1

Nam nữ bình quyền, không phân biệt giới tính trong công việc cao thấp, lớn nhỏ… Ảnh: TM

Một số người cho rằng công việc nội trợ là trách nhiệm của người vợ, nếu người vợ nào không chu tất việc này thì là người vợ tồi. Người chồng không cần phải tham gia nội trợ, nếu anh nào làm công việc này thì bị cho là “ái”, là sợ vợ.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các trung tâm tư vấn tâm lý về tình yêu, hôn nhân và gia đình, lời khuyên chung là phụ nữ nên sắp xếp lại công việc và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Ngày nay, có những định kiến giới đã dần được thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều định kiến giới nặng nề gây cản trở cơ hội phát triển của phụ nữ, tạo áp lực cho nam giới.

Để hạn chế tình trạng này, điểm d khoản 2 Điều 13 của Luật Bình đẳng giới đã đưa ra mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau: “Áp đặt thực hiện lao động tại gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định”.

Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. (trích Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006)

ĐÔNG YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm