Luật và thực tiễn

Luật này thể hiện sự tiến bộ của phụ nữ, khắc phục tình trạng phân biệt đối xử về giới, hướng đến xã hội “nam nữ bình quyền”…

Để thực thi Luật Bình đẳng giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2009/NĐ-CP, ngày 19-5-2009 quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và Nghị định số 55/2009/NĐ-CP, ngày 10-6-2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

Như vậy, pháp luật về bình đẳng giới khá đầy đủ. Tuy nhiên, hơn sáu năm qua, luật này vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống và trong thực tế còn khá nhiều người dân vẫn rất mơ hồ, thậm chí chưa biết đến luật này. Và thông qua loạt bài viết gần đây của báo Pháp Luật TP.HCM cho thấy việc vi phạm pháp luật bình đẳng giới diễn ra rất phổ biến.

Trong thực tế làm công tác pháp luật tôi thấy có nhiều trường hợp vi phạm Luật Bình đẳng giới, phổ biến là: Sau khi kết hôn, chồng không cho vợ đi làm mà phải ở nhà nội trợ, nuôi con, làm dâu trong gia đình; người chồng, người cha áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, chẳng hạn: phụ nữ là phải nội trợ, chăm con, đàn ông dù rảnh rỗi cũng không làm những việc này…; sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản là chuyện của “các bà” chứ không phải là trách nhiệm của nam giới, để rồi buộc nữ giới phải thực hiện các biện pháp này mà không quan tâm đến chị em có bệnh tật hoặc không phù hợp với cơ địa, sức khỏe của họ…

Trong việc phân chia tài sản chung, thừa kế cũng có nhiều trường hợp định kiến về giới, với quan niệm nam nhiều, nữ ít (hoặc không được chia); việc đứng tên sở hữu và định đoạt tài sản nam giới là người quyết định, phụ nữ không có vai trò gì, việc phân chia tài sản chung, của hộ gia đình không cần hỏi ý kiến nữ giới…

Còn nếu nhờ đến pháp luật thì tâm lý của người dân vẫn còn e ngại nên cứ chịu đựng hoặc là chỉ nhờ hòa giải trong nội bộ gia đình và cộng đồng dân cư chứ không chịu làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp, xử lý theo pháp luật. Do vậy, khi phát hiện có hành vi vi phạm về bình đẳng giới trong gia đình thì lời khuyên trước tiên là dùng tình cảm, cùng nhau góp ý nhẹ nhàng, xây dựng và có thể hòa giải với nhau. Việc nhờ đến pháp luật, đến cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính chỉ là giải pháp sau cùng.

Đối với vi phạm bình đẳng giới ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động… thì việc xử lý vi phạm về bình đẳng giới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong thực tế các giải pháp chung vẫn là tuyên truyền, vận động, góp ý kiến… chứ không áp dụng xử lý bằng các biện pháp chế tài nghiêm khắc, mặc dù pháp luật có quy định. Và tôi vẫn chưa thấy trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

Để Luật bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống, theo tôi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục và phổ biến pháp luật. Chú trọng lồng ghép việc tuyên truyền về bình đẳng giới trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó việc giáo dục làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới đối với từng cá nhân, từng gia đình là yếu tố rất quan trọng để hướng tới một xã hội văn minh tiến bộ, nam nữ bình quyền.

Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.