Để bạn đọc hiểu thêm quy định của pháp luật về vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Võ Trung Tâm, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
. Ông đánh giá thế nào về tình trạng phân biệt nam và nữ trong tuyển dụng lao động tại TP.HCM?
+ Một trong những vi phạm trong lĩnh vực lao động hiện nay của các doanh nghiệp là từ chối tuyển dụng hoặc hạn chế lao động vì lý do giới tính. Chúng ta thường thấy các doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng trên báo chí ở một số chức danh thường chỉ tuyển dụng nam hoặc chỉ tuyển dụng nữ. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp này đã từ chối tuyển dụng cho một giới. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, làm mất đi cơ hội việc làm của một giới.
. Luật Bình đẳng giới quy định về hành vi này như thế nào, thưa ông?
+ Tại khoản 1 Điều 13 Luật Bình đẳng giới quy định: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, BHXH, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác”. Theo quy định này, nam và nữ đều có cơ hội như nhau về việc làm, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động.
Lao động đang tìm việc ở một hội chợ việc làm. Ảnh: TM
Để cụ thể hóa Luật Bình đẳng giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Theo nghị định này, các cơ quan chức năng có quyền phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với đơn vị nào có hành vi từ chối tuyển dụng hoặc hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
. Ông có thể nói cụ thể hơn về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới?
+ Điều 5 của Luật Bình đẳng giới năm 2006 giải thích cụm từ “biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới” là biện pháp nhằm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được. Ví dụ như một phòng làm việc thuộc sở LĐTB XH có bốn cán bộ, ba nhân viên nữ và một nhân viên nam. Nếu có nhu cầu tuyển dụng lao động cho phòng này thì người tuyển dụng đăng thông báo tuyển dụng lao động nam để giảm bớt sự chênh lệch giới. Việc làm này không vi phạm pháp luật vì chúng ta đang áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
. Xin cảm ơn ông.
ĐÔNG YÊN