Ngày 29-7, Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (PT&NT) Tập đoàn Bioway Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh”.
Chưa có cơ sở pháp lý công nhận mô hình kinh tế tuần hoàn
TS. Nguyễn Văn Lý, Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường cho biết, trong nông nghiệp hiện nay có các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang triển khai hiệu quả như mô hình lúa-tôm, lúa-cá; mô hình chăn nuôi sinh học an toàn 4F; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước…
Tuy nhiên, nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi phát triển mô hình KTTH người nông dân còn mơ hồ, tỉ lệ thu gom phụ phẩm tạo ra giá trị gia tăng còn thấp. Khung chính sách cho KTTH chưa hoàn thiện, thiếu tiêu chuẩn KTTH trong nông nghiệp.
“Ví dụ hiện nay để công nhận một DN hay muốn công nhận một mô hình KTTH chưa đủ điều kiện. Do đó, cần xây dựng các hướng dẫn để các mô hình KTTH thực hiện hiệu quả hơn”- TS Lý nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trung Thắng, Phó viện trưởng, Viện chiến lược chính sách Tài Nguyên và Môi Trường cho biết, theo Nghị định 08/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về KTTH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước 31-12-2023. Hiện nay Viện đang xây dựng dự thảo 2.
Nghị định 08 có tiêu chí chung về KTTH nhưng cụ thể từng ngành như trồng trọt, chăn nuôi... chưa có. Sau khi Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia, các bộ ngành, UBND tỉnh thành xây dựng kế hoạch hành động KTTH cho ngành mình.
“Hiện nay có nhiều mô hình KTTH nhưng chưa có cơ sở pháp lý để công nhận. Chúng tôi đề xuất xây dựng luật thúc đẩy phát triển KTTH. Nhật Bản từ năm 2021 đã có luật thúc đẩy xã hội tuần hoàn vật chất, họ đi trước chúng ta 20 năm đã áp dụng KTTH từ thời điểm đó", TS Thắng nói.
Sản phẩm thời trang làm từ bã cà phê. ẢNH: TÚ UYÊN |
Nông nghiệp được ưu tiên thực hiện KTTH trong kế hoạch hành động quốc gia
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, phát triển nông nghiệp theo hướng KTTH được sự quan tâm của Nhà nước qua Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…
Đặc biệt, Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam ban hành năm 2022 nêu rõ mục tiêu phát triển KTTH góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các DN và ngành kinh tế…
Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Theo ông Tiến, để hiện thực hóa các mục tiêu trên việc thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp là điều cần thiết. Vì vậy, cần triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa mô hình kinh tế này.
Trong đó, nâng cao nhận thức của người sản xuất, DN trong phát triển KTTH. Hiện nay DN sản xuất đừng nghĩ chỉ tiêu thụ ở thị trường 98 triệu dân mà phải hướng xuất khẩu. Muốn vậy DN phải áp dụng công nghệ cao, từ đó sẽ giúp giảm phát thải, tăng sức cạnh tranh.
“Một công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài với một chuỗi sản xuất khép kín, hiện nay đã xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản”-ông Tiến dẫn chứng.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới áp dụng trong KTTH. Vấn đề này cần được Nhà nước, DN quan tâm, triển khai để giúp biến các phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở nên có giá trị hơn.
Cùng với đó, có cơ chế chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp phát triển.
Ông Thắng cho biết, dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng, chi phí thách thức tiềm năng với KTTH, dự thảo kế hoạch hành động quốc gia đã đưa ra những nhóm ngành lĩnh vực sản phẩm trọng tâm ưu tiên thực hiện KTTH, trong đó có nông nghiệp, lâm thủy sản.