Sáng 11-10, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết hiện TP đã trở thành siêu đô thị với khoảng 13 triệu người cư trú, đến làm việc hằng ngày.
"Áp lực lên hạ tầng giao thông, xã hội ở siêu đô thị này là rất lớn. Nhưng chính quyền TP quyết tâm xây dựng hệ thống giao thông TP phát triển đồng bộ, đồng tốc với tốc phát triển kinh tế, xã hội, dân cư... Đặc biệt, việc phát triển hệ thống giao thông không chỉ hiện đại, văn minh mà còn chú trọng đến không gây ô nhiễm môi trường để TP ngày càng trở nên lý tưởng, hấp dẫn người dân từ trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc...!" - ông Tuyến nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến: "Sẽ xây dựng TP.HCM ngày càng lý tưởng, hấp dẫn người dân đến sống, làm việc..."
Theo đại diện Sở QH-KT, định hướng phát triển không gian đô thị của TP đến 2020 và sau 2025 là tập trung kết hợp với đa cực. Theo đó, khu vực nội thành cũ sẽ là trung tâm tổng hợp và mở rộng đa cực về bốn hướng là: hai hướng chính về phía Đông và Nam hướng ra biển; hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam...
Theo đại diện Sở QH-KT, trên nền phát triển không gian đô thị tập trung ở trung tâm cũ, TP sẽ phát triển ra đa cực về bốn hướng. Hiện TP đang tập trung vào việc khép kín vành đai 2 và chuẩn bị cho việc mở rộng vành đai 3 và 4 ra các đô thị vệ tinh...
Theo định hướng giao thông hiện đại, TP đã và đang xây dựng 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) và tuyến đường sắt một ray (monorail) với tổng chiều dài gần 220 km.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, hiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được tập trung xây lắp phần đi ngầm để đến năm 2020 đưa toàn tuyến dài hơn 19,7 km vào khai thác. Đây sẽ là tuyến metro hiện đại đầu tiên của TP.
Về định hướng xây dựng các khu đô thị, công nghiệp, dân cư mới sẽ bao gồm: Khu công nghệ cao tại quận 9, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 rộng 737 ha, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Nam Thanh Đa, Khu đô thị Tây Bắc TP rộng 6.000 ha; khu đô thị cảng Hiệp Phước - Công nghiệp Nhà Bè rộng 3.900 ha...
Hàng loạt khu dân cư, cao ốc sẽ hình thành ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, do đó việc xây dựng thêm nhiều cầu, đường trở thành nhu cầu cấp bách, phải đi trước. Trong ảnh: Phối cảnh cầu qua đảo Kim Cương, quận 2.
Khu công nghệ cao quận 9 đang dần dần hoàn thiện cùng với việc xây dựng các tuyến giao thông kết nối các nhà máy với các cảng cạn ICD, cảng đường thủy nội địa nhằm tăng khả năng vận chuyển hàng hóa, vật tư, giảm chi phí vận tải...
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, trong giai đoạn 2011-2015, TP đã thu hút hơn 2.400 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư hơn 10,36 tỉ USD.
Riêng tám tháng đầu năm 2017, tổng nguồn vốn FDI tính chung (gồm cho cả các dự án mới, dự án cũ tăng vốn, mua cổ phần, mua lại cổ phần...) đã đạt gần 3,3 tỉ USD...
Việc tăng số dự án, mức đầu tư như trên là nhờ chính sách cải cách hành chính ngày càng thân thiện, gần và gắn với lợi ích nhà đầu tư.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, các hình thức cho thuê đất, nhà xưởng, văn phòng, kho bãi cùng các tiện ích về nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập, y tế cho nhà đầu tư, người đến làm việc ngày càng thông thoáng... "Hy vọng TP sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn, lý tưởng với các nhà đàu tư, người đến làm việc..." - ông Tuyến nói.