Kiến nghị, khiếu nại, kiện tụng… cũng không bằng cải tiến
Cánh taxi truyền thống cũng gửi văn bản ý kiến, kiến nghị. Thậm chí họ cũng đã được Bộ Tài chính trả lời về thuế của Uber, Bộ GTVT trả lời về thí điểm của Grab chứ đâu phải phớt lờ!
Nếu không đồng ý với trả lời của Bộ Tài chính, Bộ GTVT, các hãng taxi truyền thống có thể nói đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội… Nếu thấy bị phân biệt đối xử, hay bị chèn ép, hay điều kiện kinh doanh bất công…, họ hoàn toàn có quyền kiến nghị sửa quy định. Thậm chí nếu thấy cơ quan quản lý có sai, họ cũng có quyền khiếu nại.
Sau tất cả cách làm hành chính như trên với cơ quan quản lý, họ vẫn còn con đường tư pháp. Đó là quyền kiện các cơ quan này, thậm chí kiện cả đối thủ của mình ra tòa án một cách văn minh, lịch sự để tòa án phán xử. Đằng này taxi truyền thống, cụ thể là Vinasun lại rêu rao theo kiểu nói xấu đối thủ như thời gian vừa qua là quá đáng (Vinasun nói do tài xế tự làm)! Cách dán biểu ngữ trên taxi là phản cảm.
Vấn đề của taxi truyền thống là nên chấp nhận sự thật mình thua kém, cạnh tranh không bằng, không theo kịp công nghệ. Mất thị trường là do suốt nhiều năm dài các anh gây ác cảm quá nhiều cho nên có Uber, Grab là người ta qua Uber, Grab ngay. Anh đi đường vòng để kiếm thêm tiền; khách đi chuyến ngắn thì chê, thì chửi; xe thì dơ, công nghệ thì dở, thái độ chẳng niềm nở… Với thực trạng như thế, anh có kiến nghị, có khiếu nại, có kêu la, có kiện tụng thì rốt cục anh cũng sẽ thua. Không ai có thể bênh vực, cứu anh được!
Cách duy nhất là taxi truyền thống phải thay đổi, cải tiến hơn, dịch vụ tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế-giao thông Phạm Sanh