"Chiều 8-8, vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ở cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24-36 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Sau khi mạnh lên thành bão sẽ liên tục đổi hướng và hướng vào vùng biển và đất liền nước ta”.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết như trên vào chiều nay, 8-8, khi phân tích về diễn biến của cơn ATNĐ mạnh lên từ vùng áp thấp.
. PV. Chiều nay vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành ATNĐ, vậy khả năng ATNĐ mạnh lên thành bão như thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Hưởng: Lúc 13 giờ chiều nay, 8-8, vùng áp thấp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành ATNĐ. Khi phân tích ảnh mây vệ tinh có thể thấy vùng mây đối lưu của ATNĐ còn khá phân tán với những cụm mây đối lưu ở vùng phía tây, phía đông của ATNĐ này, chưa tạo xoáy rõ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu. Ảnh: AH |
Trong 24 giờ tới, khi các vùng mây tiến sát vào nhau thì ATNĐ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Theo nhận định của chúng tôi trong 24-36 giờ tới, ATNĐ này có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất 60-70%.
. Với cơn ATNĐ này ông có đưa ra những cảnh báo gì tới người dân?
+ Trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc, tức là hướng ra ngoài. Trong 48-72 giờ tiếp theo, sau khi ATNĐ mạnh lên thành bão có khả năng đổi hướng do bị khối không khí ngoài biển đẩy vào. ATNĐ sẽ đổi sang hướng đông bắc, hướng bắc, rồi hướng tây tây bắc, là hướng về phía biển và đất liền nước ta.
Với diễn biến về cường độ và đường đi như vậy, chúng tôi nhận định, trong 24 giờ tới ở khu vực phía bắc của Biển Đông, trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa sẽ có gió mạnh cấp 6-7, sau đó cấp 8, giật cấp 9, 10. Sóng biển ở khu vực phía bắc của Biển Đông và khu vực đất liền huyện đảo Hoàng Sa sẽ cao từ 4-5m. Đó là nơi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ sau mạnh thành bão.
Dự báo vị trí và đường đi của ATNĐ. Ảnh: KTTVQG |
Còn khu vực giữa và nam Biển Đông và khu vực biển từ Bình Thuận đến Cà Mau chịu tác động của gió mùa Tây Nam đang có xu hướng hoạt động mạnh lên cấp 6, 7 và sóng biển khu vực này cao từ 3-4m.
Chúng tôi cũng cảnh báo khu vực biển Trung bộ từ Quảng Bình đến Bình Thuận, từ Bình Thuận vào Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang, khu vực giữa và nam Biển Đông, khu vực vịnh Thái Lan đều có mưa giông mạnh. Khi có mưa giông mạnh rất có khả năng xảy ra hiện tượng cực đoan như lốc, xoáy trong mưa giông đó.
. Vậy tình hình mưa lớn trên đất liền ra sao, thưa ông?
+ Trên đất liền, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với rãnh gió mùa nối với ATNĐ sau có khả năng mạnh lên thành bão, kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam có xu hướng mạnh dần lên nên chiều tối và đêm nay ở khu vực Trung Trung bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 80mm.
Ở khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Nam bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm. Ngày và đêm mai (9-8), ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm.
. Xin cảm ơn ông.