Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên học sinh (HS) được nghỉ học kéo dài. Để các em không sao nhãng việc học, nhiều trường đã triển khai việc dạy học trực tuyến.
App học trực tuyến nhận "bão" 1 sao
Bên cạnh những ứng dụng như Facebook, Zalo thì ứng dụng Zoom Cloud Meetings (gọi tắt Zoom) - ứng dụng ra đời phục vụ cho hội họp trực tuyến cũng được nhiều trường sử dụng.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 đến nay, ứng dụng Zoom đang nhận được rất nhiều đánh giá 1 sao từ phía người dùng, trong đó có HS.
Điều đáng nói, bên cạnh việc đánh giá 1 sao, những người dùng còn để lại những nhận xét tiêu cực mang ý nghĩa “không muốn học online”.
“App gặp gỡ giao lưu văn hóa rất tốt nhưng dùng nó cho mục đích học tập thời điểm này em thấy không nên ah. Bên phía nhà trường đã cắt đi mùa hè của chúng em để có thể bù cho việc học bù sau kỳ nghỉ hè tránh dịch nên em thấy tốt nhất chúng ta nên an phận ở nhà tự lo bản thân, không trò chuyện với ai cả. Hơn nữa đã cho nghỉ học ở trường rồi thi đừng bắt bọn em phải học ở nhà”.
Hay: “Cô giáo bắt chúng tôi học trên ứng dụng này. Điều đó khiến tôi cảm thấy trầm cảm và phá tan ngày nghỉ của chúng tôi”; “Học trên app là một điều không tốt…”; Cái app của nợ này khiến tôi phải nộp chuyên đề hóa liên tục”; “Rất tệ”; “Vì nó mà tôi phải học online”; "Đừng bao giờ sản xuất mấy cái này"; thậm chí có bạn bình luận: “Nhờ vào app này nên tao bị bắt học online nên cho 1 sao”...
Tuy nhiên, bên cạnh không ít bình luận tiêu cực đã xuất hiện những bình luận tích cực về app như “Ứng dụng giúp tôi có thể học và trao đổi kiến thức trong đợt nghỉ dịch này. Khá là tiện lợi, chỉ mong có bản tiếng Việt sớm một chút thì sẽ tốt hơn”; hay “Mình thấy ứng dụng này rất hay, tuy nghỉ học ở nhà nhưng cô trò vẫn trò chuyện và dạy học được”; “Tôi đã học online qua zoom”.
Ứng dụng phổ biến nhưng…
Đề cập đến vấn đề này, bà Thanh Thiên, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Ngôi Sao (quận Bình Tân) cho biết ngay từ khi HS được nghỉ học do dịch, nhà trường đã liên tục tập huấn giáo viên về các công cụ và phương pháp dạy trực tuyến.
Trường THCS-THPT Ngôi Sao (quận Bình Tân) tập huấn cho giáo viên về các ứng dụng dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Hiện tại, nhà trường đã triển khai việc dạy học trực tuyến qua công cụ Emodo và Zoom.
“Tuy nhiên, nhiều HS hiện không thích học, không có ý thức trong giờ học, lại không có sự kiểm soát của giáo viên và cha mẹ nên nó vẫn chỉ là giải pháp tình thế” - vị này nói thêm.
Tương tự, Zoom cũng là ứng dụng đang được sử dụng tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức.
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trong quá trình thực hiện trường cũng gặp khó khăn vì ý thức học tập của các em HS không cao. Nhiều em đến giờ học nhưng không tham gia. Trong giờ học, các em còn làm việc riêng, không tập trung học. Hơn nữa, hiện chưa có quy định rõ ràng về quy chế tổ chức lớp học, cách đánh giá nên không thể áp đặt việc học đối với các em.
Trong khi đó, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng việc HS đánh dấu 1 sao đi kèm những bình luận như thế cho thấy các em không muốn sử dụng app, không hào hứng với việc học online.
Việc dạy và học online chưa hiệu quả, chưa hấp dẫn là nguyên nhân đầu tiên khiến học sinh không thích học.
Theo thầy Chính, học online muốn hiệu quả thì phải mang đến cho HS động cơ học tập, duy trì kết nối, cảm xúc trong suốt khóa học, đặt ra được mục tiêu sẽ đạt được sau khóa học, đi kèm với việc lập thời gian biểu cụ thể và cần đa dạng các nguồn truy xuất, học liệu, hỗ trợ công nghệ xử lý các tình huống trên môi trường số hóa.
Quay video bài giảng, live stream hay trực tiếp phát sóng trên truyền hình chưa phải là tất cả của việc học online.
Hiện nay việc dạy trực tuyến được khuyến khích nhưng chưa thể lấy đó thay thế cho việc dạy trực tiếp, và cần nhiều thời gian nữa để công nhận việc dạy học trực tuyến. Bởi ngay trong một trường, một lớp, khó có điều kiện để đảm bảo 100% học sinh tiếp cận được theo mô hình này.
Việc học online chỉ mang tính chất ôn tập, hỗ trợ học sinh không quên kiến thức trong thời gian nghỉ học, là một kênh học tập để học sinh tham khảo.