Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPad, MacBook đến Việt Nam

Hàng loạt sản phẩm đình đám của Apple đã chính thức sản xuất tại Việt Nam (VN). Dòng chữ “Made in Vietnam” trên các sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ lan tỏa khắp thế giới, tạo hiệu ứng tích cực cho vị thế VN như là công xưởng đáng tin cậy.
Gia tăng đầu tư tại Việt Nam
Hãng tin Reuters vừa xác nhận tập đoàn chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới Foxconn (Đài Loan) chuyên sản xuất các sản phẩm cho gã khổng lồ công nghệ Apple của Mỹ đang chuyển dây chuyền sản xuất máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc (TQ) sang VN theo yêu cầu của Apple. 
Hai dòng sản phẩm này sẽ chính thức được sản xuất tại VN vào năm 2021. Hiện các dây chuyền sản xuất cho thế hệ tiếp theo của máy tính bảng và máy tính xách tay cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng tại Bắc Giang.
Foxconn cho biết thêm, công ty vừa đầu tư thêm 270 triệu USD nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. 
Mới đây, tờ DigiTimes (Đài Loan) cũng cho biết hai đối tác chính của Apple là Luxshare và Goertek đang sản xuất tai nghe AirPods Max của Apple tại nhà máy ở VN. Như vậy chiếc tai nghe này vốn được sản xuất tại TQ đã chính thức mang dòng chữ “Made in Vietnam”. 
Các động thái trên của Apple cho thấy hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ đang đẩy nhanh việc di dời các chuỗi cung ứng liên quan ra khỏi TQ. Trả lời hãng tin Nikkei của Nhật, ông Young Liu, Chủ tịch Foxconn, cho biết công ty sẽ tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi TQ do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 
“VN, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Mexico… là những địa điểm mà công ty sẽ chuyển nhà máy đến và ngày càng mở rộng quy mô” - ông Young Liu cho biết.

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm của Apple đã được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng mua điện thoại, máy tính… của Apple. Ảnh: MINH HOÀNG

Không chỉ là câu chuyện thuế
Giới chuyên gia kinh tế nhận định việc Apple chuyển một phần sản xuất sang VN sẽ giảm bớt tác động bất lợi nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng. Thời gian qua, Mỹ đã tăng thuế đối với hàng loạt mặt hàng của TQ, trong đó có hàng điện tử sản xuất tại nước này.
Tuy vậy, những toan tính lớn trong việc Apple chọn VN làm nơi sản xuất các sản phẩm đình đám của mình còn nằm ở nguyên nhân khác ngoài thuế. Thực tế thời gian qua chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào việc đưa các tập đoàn của Mỹ rời TQ về quê nhà, trong đó có Apple nhưng chưa thành công. 
Bởi Mỹ có lợi thế so sánh về công nghệ tiên tiến, môi trường kinh doanh tốt và người tiêu dùng giàu có. Nhưng lợi thế của Mỹ không phải là nhân công giá rẻ, công nghiệp lắp ráp cấp thấp mà là phân khúc có giá trị cao nhất của chuỗi sản xuất. 
Thậm chí, hãng tin Bloomberg trong một bình luận mới đây đã chỉ ra rằng rất khó để sản phẩm của Apple mang dòng chữ “Made in America”. Lý do hãng công nghệ này không thể thuê được hàng trăm ngàn nhân công tại Mỹ với mức lương hợp lý, cũng như kiếm đủ người chấp nhận làm các công đoạn lắp ráp đơn giản. 
“Các giám đốc điều hành của hãng Foxconn thừa nhận họ không tin vào viễn cảnh công nhân Mỹ muốn đứng làm việc tại các dây chuyền sản xuất lắp ráp đơn giản. Ngay tại TQ, nơi có lực lượng lao động lớn gấp năm lần cũng đã hết khao khát các công việc này” - Bloomberg cho biết.
Do đó, di dời nhà máy từ TQ sang VN trở nên hợp lý và đủ tiềm năng thay thế TQ trong tương lai vì nước này đã đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có kỹ năng tốt. 
Nói cách khác, các công ty như Apple phải di chuyển để tiếp cận gần hơn với nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu của họ. Bằng chứng là Samsung đã vận hành khá tốt các nhà máy sản xuất điện thoại hàng đầu tại VN và đã được bán đi khắp thế giới.
Apple sẽ làm gì cho Việt Nam?
“Dòng chữ “Made in Vietnam” trên các sản phẩm công nghệ đình đám của Apple chính là lời quảng cáo tuyệt vời về năng lực sản xuất của VN” - chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải bình luận. Ông nói thêm: Apple là công ty lớn và khi họ chuyển nhà máy vào VN thì tất yếu những nhà cung cấp chính sẽ theo họ vào VN. 
Điều này tương tự hãng Samsung hay LG vào VN cũng đem theo hệ sinh thái riêng của họ. Do đó, mức độ lan tỏa lợi ích của dòng chảy đầu tư nước ngoài cho kinh tế VN chưa quá lớn và ngay lập tức. Song kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao như Apple đến một thời điểm sẽ kích hoạt toàn bộ lĩnh vực sản xuất nội địa của nước ta. Từ đó, hình thành các công ty Việt có năng lực và chất lượng tương tự doanh nghiệp ngoại. 
“Thời điểm này, các công ty VN cần tranh thủ thời gian để học hỏi, nắm bắt trước khi tích lũy được năng lực, công nghệ để thâm nhập dần vào chuỗi cung ứng của gã công nghệ khổng lồ của Mỹ” - ông Hải khuyến nghị.
Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nhìn nhận để đạt được năng lực như TQ thì việc đào tạo công nhân và tạo ra các nhà cung cấp mới tại VN là một tiến trình mất nhiều năm, vì những nhóm này phải học các quy trình cơ bản. 
Tuy nhiên, VN sẽ nhanh chóng cải thiện được điều này, do các công ty địa phương có khả năng tiếp thu khá tốt các phương pháp hay nhất khi Apple bắt đầu nỗ lực phối hợp để cải thiện năng lực của các nhà cung cấp VN. Qua đó sẽ giành được các hợp đồng tốt từ các công ty đa quốc gia.
Nói cách khác, các ông lớn công nghệ đã chọn VN làm cứ điểm sản xuất để tìm kiếm lợi ích thì ngược lại, VN cần nắm bắt các lợi thế để hưởng lợi và nâng cấp để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặt nhà máy hoành tráng tại Việt Nam

Thời gian qua, các đối tác của Apple đã đặt nhà máy sản xuất tại VN. Chẳng hạn, lãnh đạo Tập đoàn Foxconn cho hay đã đầu tư hơn 203 triệu USD vào VN trong giai đoạn năm 2018 và 2019. 

VN sẽ là trung tâm sản xuất lớn nhất của Foxconn tại khu vực Đông Nam Á. Thậm chí công suất tại nước ta còn lớn hơn cả Ấn Độ, nơi mà công ty đã đầu tư đến 371 triệu USD trong hai năm qua. 


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.