Ông Kicillof đã chủ trì cuộc họp báo tại thủ đô Buenos Aires một ngày sau khi Argentina và một nhóm chủ nợ (những đối tác không tham gia các đợt tái cơ cấu nợ do Argentina triển khai sau khi bị vỡ nợ năm 2001) không đạt được thỏa thuận về thanh toán nợ, khiến quốc gia Nam Mỹ này không thể trả nợ cho các chủ trái phiếu đã đồng ý tham gia tái cơ cấu nợ trước đó.
Theo Bộ trưởng Kicillof, vỡ nợ là trường hợp con nợ không thể thực hiện cam kết trả nợ và phải hoãn thanh toán cho các chủ nợ.
Argentina không rơi vào hoàn cảnh đó vì ngay tháng trước, nước này đã thanh toán trên 1 tỷ USD cho những chủ trái phiếu chấp nhận tái cơ cấu nợ các năm 2005 và 2010.
Cũng theo người đứng đầu ngành kinh tế Argentina, Buenos Aires đang trải qua tình huống chưa từng xảy ra trên thế giới vì vấn đề không nằm ở khả năng thanh toán nợ của Argentina mà ở phán quyết của tòa án Mỹ.
Ông nhấn mạnh Argentina rất quyết tâm trả nợ nhưng không thể thực hiện cam kết vì hiện đang có một chiến dịch bôi nhọ hình ảnh của Argentina, rêu rao rằng Argentina bị vỡ nợ nhằm gây bất ổn, hoảng loạn và sợ hãi.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Argentina Cristina Ferrnandez kêu gọi người dân bình tĩnh và khẳng định nước này sẽ sử dụng tất cả các công cụ pháp lý để giải quyết vụ việc.
Chánh văn phòng tổng thống Argentina Jorge Capitanich chỉ trích thẩm phán Mỹ Thomas Griesa và luật sư Dan Pollack "thiếu năng lực," đồng thời tuyên bố sẽ đưa vụ việc lên tòa án quốc tế.
Thẩm phán Griesa là người ra phán quyết yêu cầu Argentina phải chi trả toàn bộ tiền nợ cho hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ, trước khi trả nợ cho các chủ trái phiếu đã đồng ý tái cơ cấu nợ. Còn luật sư Dan Pollack là trung gian đàm phán giữa Argentina và hai quỹ đầu tư trên do thẩm phán Griesa chỉ định.
Cuối tháng Sáu vừa qua, Argentina chuyển khoản 539 triệu USD vào tài khoản của Ngân hàng New York để trả các chủ trái phiếu tham gia tái cơ cấu nợ, nhưng số tiền này đã bị đóng băng theo lệnh của ông Griesa.
Tại Mỹ, hầu hết dư luận đều bày tỏ sự ủng hộ với Argentina. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phản đối phán quyết song vẫn kêu gọi Argentina nỗ lực đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng cải thiện quan hệ với các chủ nợ là một vấn đề thuộc về lợi ích của Argentina.
Hơn 100 chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có cả nhà kinh tế từng đạt giải Nobel Robert Solow, đã gửi thư lên Quốc hội Mỹ đề nghị can thiệp.
Trong thư, các chuyên gia nhận định phán quyết của tòa án Mỹ đã gây ra "mối nguy hiểm mang tính đạo đức" khi giúp các chủ nợ được thanh toán đầy đủ bất chấp động thái này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho các con nợ.
Các chuyên gia cảnh báo phán quyết có thể gây ra thiệt hại kinh tế không cần thiết đối với hệ thống tài chính quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của Mỹ tại Argentina.
Theo tin mới nhất, ngày 31/7, thẩm phán Thomas Griesa đã triệu tập cuộc gặp trong ngày 1/8 tại New York (Mỹ) giữa các đại diện của chính phủ Argentina và các quỹ đầu tư nhằm tìm ra giải pháp cho tranh chấp.
Cùng ngày, các cổ phiếu của Argentina giảm mạnh trên thị trường chứng khoán sau khi tăng mạnh một ngày trước đó do các nhà đầu tư tin tưởng về khả năng đạt được thỏa thuận thanh toán nợ giữa Argentina và các “quỹ kền kền”./.
Theo vietnam+