Ngày 4-11, hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ ba đã diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) sau hội nghị hẹp bộ trưởng quốc phòng ASEAN hôm trước đó.
Hội nghị mở rộng gồm 10 bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các bộ trưởng Quốc phòng tám nước đối tác (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật, New Zealand).
Trưa 4-11, Reuters đưa tin nghi thức ký kết Tuyên bố chung Kuala Lumpur vào cuối hội nghị đã bị hủy.
Báo New Straits Times (Malaysia) đưa tin bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Hishammuddin Hussein thông báo hội nghị không đạt được đồng thuận nên ASEAN quyết định không công bố tuyên bố chung.
Ông giải thích còn nhiều cách khác để giải quyết các vấn đề bất đồng.
Theo Reuters, bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã đệ trình và nước chủ nhà Malaysia đã nhất trí đưa vấn đề tranh chấp biển Đông vào tuyên bố chung.
Reuters dẫn nguồn từ một quan chức cao cấp quốc phòng Mỹ (giấu tên) có mặt tại hội nghị nhận định: Đây là quyết định của ASEAN nhưng thà không có tuyên bố chung còn hơn một tuyên bố chung bỏ qua vấn đề quan trọng về biển Đông.
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 4-11. Ảnh: AP
Nguồn tin này ghi nhận “một số nước ASEAN cho rằng loại bỏ ghi chú về biển Đông trong tuyên bố chung là không thích hợp”.
Theo Reuters, một bản sao dự thảo tuyên bố chung đã được phát cho báo chí có thể do nhầm lẫn, sau đó đã được thu hồi lại.
Trong bản sao có ghi câu “ASEAN tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp” ở biển Đông; “bằng mọi giá phải tránh các va chạm trên vùng biển và trên vùng trời mở”.
Tháng 7-2012, lần đầu tiên trong 45 năm hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Campuchia cũng đã không ra được tuyên bố chung.
Bên lề hội nghị hẹp hôm 3-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hội đàm với người đồng cấp Thường Vạn Toàn trong 40 phút.
Bộ trưởng Thường Vạn Toàn phát biểu Trung Quốc khuyến khích Mỹ “chấm dứt mọi phát ngôn và hành động sai lầm, không tiến hành hành động nguy hiểm nào khác đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.
Ông phản đối Mỹ đưa tàu tuần tra USS Lassen và nhấn mạnh: “Nhân dân và quân đội Trung Quốc sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền Trung Quốc và các lợi ích liên quan”.
Báo Stars & Stripes (Mỹ) đưa tin người phát ngôn Lầu Năm Góc thông báo trong hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đề nghị các bên chấm dứt hẳn hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa.
Ông khẳng định: “Mỹ sẽ tiếp tục bay qua, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Trong khi đó tại Bắc Kinh tối 3-11, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã hội đàm với tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, tướng Phạm Trường Long nhận xét sự kiện tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đã gây ra không khí bất đồng.
Ông nhấn mạnh: “Quân đội Trung Quốc sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền”.
Đô đốc Harry Harris khẳng định hải phận và không phận quốc tế thuộc về mọi người và không thể do một quốc gia nào kiểm soát.
Ông ủng hộ hải quân hai nước tiếp tục đối thoại và duy trì viếng thăm quân sự.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bày tỏ hối tiếc khi hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng không ra được tuyên bố chung. Ông chỉ trích một số quốc gia bên ngoài ASEAN (ám chỉ Mỹ) đã can thiệp và trách nhiệm không ra được tuyên bố chung hoàn toàn thuộc về các nước này. ______________________________ Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN không thể nhất trí tuyên bố chung đã phản ánh mối quan tâm của các nước về hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. Rõ ràng đây là một chủ đề thảo luận và một chủ đề quan tâm đối với các nước tham dự hội nghị. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ASHTON CARTER |