Các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã cam kết thể hiện kiềm chế trong thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp hay làm gia tăng tranh chấp.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc tại Vientiane (Lào) ngày 7-9 đã công bố tuyên bố chung như trên.
Theo báo Straits Times, tuyên bố chung có đoạn: “Chúng tôi tiếp tục khẳng định cam kết tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông như đã nêu trong các nguyên tắc phổ quát được luật pháp quốc tế thừa nhận, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các giải pháp hòa bình, không viện dẫn vũ lực hay sử dụng vũ lực, qua tham vấn và đàm phán giữa các nước có chủ quyền trực tiếp có liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ quát đã được luật pháp quốc tế thừa nhận, bao gồm UNCLOS”.
Tuyên bố chung cũng bày tỏ hai bên cam kết thực hiện toàn diện và thực tiễn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và làm việc thực chất để nhanh chóng thông qua dựa trên đồng thuận Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).
Cắt bánh mừng hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc ngày 7-9 tại Vientiane (Lào). Ảnh: EPA
Trước đó, hai bên đã thông qua hai văn kiện quan trọng liên quan đến biển Đông:
- Tuyên bố chung về áp dụng Bộ quy tắc ứng xử cho các chạm trán bất ngờ (CUES) trên biển Đông.
- Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa quan chức cấp cao của các Bộ Ngoại giao hai bên.
Báo Today (Singapore) ghi nhận đây là các biện pháp củng cố lòng tin nhằm giảm căng thẳng ở biển Đông.
CUES vốn là thỏa thuận đã được 21 quốc gia Thái Bình Dương ký kết tại hội nghị Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) lần thứ 14 ở Thanh Đảo (Trung Quốc) hồi tháng 4-2014.
CUES không mang tính chất ràng buộc về pháp lý, dù vậy đây là thỏa thuận, theo đó các nước nhất trí một giao thức chuẩn mực về quy trình an toàn, thông tin liên lạc cơ bản và các hướng dẫn cần thực hiện giữa các tàu chiến và máy bay nếu chạm trán trên biển.
PGS Simon Tay, Chủ tịch Viện Các vấn đề quốc tế Singapore, đánh giá: “Đây là tín hiệu tiến bộ và các biện pháp cụ thể đã được đề ra. Bắc Kinh không thể từ bỏ yêu sách nhưng điều này không có nghĩa họ không quan tâm ngăn chặn leo thang do sự cố và hiểu nhầm”.
TS Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu chính của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á-Yusof Ishak (Singapore), đưa ra đánh giá khác: “Tôi không thể gọi đây là bước đột phá vì CUES ở biển Đông không bao gồm các tàu cảnh sát biển”.
Báo Today cho biết Singapore với tư cách nước điều phối về quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến mở rộng CUES nhằm xử lý các sự cố trên biển Đông.
Tuy nhiên, khi Singapore đề nghị đưa tàu cảnh sát biển vào CUES thì Bắc Kinh phản đối. Trong khi đó, Trung Quốc thường sử dụng tàu cảnh sát biển để cản trở tàu cá các nước khác.
Thủ tướng: Các nước có trách nhiệm duy trì hòa bình ở biển Đông Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tất cả các nước, khu vực có trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp. Về những diễn biến gần đây, Việt Nam mong rằng ASEAN và Trung Quốc cùng hướng tới một giai đoạn mới vì hòa bình, hợp tác và phát triển, xử lý thỏa đáng các vấn đề đặt ra. Các nước không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy đàm phán, tuân thủ luật pháp quốc tế. TNT 21 nước tham gia CUES năm 2014 gồm Mỹ, Trung Quốc, Úc, Canada, New Zealand, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Chile, Peru, Papua New Guinea, Tonga và tám nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). |