Asiad 17: TTVN không hoàn thành chỉ tiêu

Ở ngày thi cuối cùng (4-10), không có VĐV Việt Nam lọt vào chung kết ba môn Karatedo, soft tennis (tennis bóng mềm), bóng bàn nên đương nhiên huy chương của đoàn TTVN tại Asiad 17 đã chính thức dừng lại ở con số 1 HCV; 10 HCB; 25 HCĐ, xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương.

Với chỉ vỏn vẹn một chức vô địch môn Wushu của Dương Thúy Vi, TTVN không hoàn thành chỉ tiêu đạt từ hai đến ba HCV như dự báo trước lúc các VĐV hành quân sang Hàn Quốc.

So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp cuối trong số các nước được đánh giá có nền thể thao đang phát triển như Thái Lan (12 HCV), Singapore và Malaysia (5 HCV), Indonesia (4 HCV). Thậm chí TTVN còn đứng sau cả quốc gia mới nổi Myanmar khi đoạt 2 HCV ở môn cầu mây.

Với Thái Lan (hiện diện trong tốp 6 châu Á), ngoài 4 HCV cầu mây, các chức vô địch ở những môn cơ bản Olympic như boxing, đua thuyền, tennis, Taekwondo đã giúp vị thế của họ nâng tầm trong mắt bạn bè quốc tế. Tương tự, Singapore giành 3 HCV đua thuyền, 2 HCV bơi lội và Bowling cho thấy đảo quốc Sư tử không quá chú trọng đến sự đầu tư ở các môn không trọng điểm Olympic. Riêng Indonesia mặc dù chỉ đoạt 4 HCV nhưng ba chức vô địch của xứ vạn đảo đều nằm trong các môn nặng ký của Thế vận hội là cầu lông và điền kinh.

Chiếc HCĐ lịch sử của Ánh Viên (bìa phải ảnh trên) cho bơi lội Việt Nam tại đấu trường Asiad và nụ cười chiến thắng của cô gái vàng Thúy Vi. Ảnh: QUANG THẮNG

Nếu đem so sánh số lượng huy chương của tại kỳ Asiad 16 Trung Quốc (đoạt 1 HCV; 17 HCB; 15 HCĐ, xếp vị trí 23) TTVN không giàu thêm về số lượng “vàng” nhưng lại nghèo đi về số lượng “bạc”.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa TTVN đang trên đà đi xuống. Thậm chí tại đấu trường Asiad 17, TTVN có những sự kiện rất nổi bật khiến người hâm mộ lạc quan hơn về tương lai thể thao nước nhà. Đầu tiên phải kể đến hai chiếc HCĐ lịch sử (200 m ngửa, 400 m hỗn hợp) môn bơi lội của kình ngư Ánh Viên. Kể từ ngày hội nhập thể thao châu lục, TTVN chưa bao giờ giành được huy chương ở môn thi cơ bản nhất tại các kỳ Olympic. Kế đến, chiếc HCB cử tạ hạng 56 kg của lực sĩ Thạch Kim Tuấn hay các ngôi á quân ngoài mong đợi của tuyển thủ Nguyễn Thị Thật ở môn xe đạp, của Phan Thị Hà Thanh ở môn thể dục dụng cụ, của Quách Thị Lan (400 m) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) môn điền kinh. Ngoài ra, những chiếc huy chương quý giá ở các môn Rowing, bắn súng, Boxing nữ, Taekwondo, đấu kiếm… đều thuộc những môn cơ bản của Olympic.

Để có được những thành tích nêu trên, TTVN đã tốn kém không ít tiền của, công sức trong quá trình đầu tư đào tạo cho các nhân tài mũi nhọn. Có thời điểm, dư luận nổ ra nhiều cuộc tranh cãi về cách đổ tiền đưa Ánh Viên, Quý Phước hay các nữ VĐV đội điền kinh cự ly trung bình đi Mỹ tập huấn… chỉ vì sợ tốn kém rồi “tiền mất, tật mang”. Thế nhưng thành tích mới là câu trả lời xác đáng và dập tắt những cuộc tranh cãi không đáng có.

Hy vọng sau bàn thu hoạch của TTVN tại Asiad 17, các nhà làm thể thao đỉnh cao sẽ đầu tư bài bản hơn, cộng với một chiến lược dài hơi và có chiều sâu để nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

MINH QUANG

Trong ngày thi đấu cuối (3-10) của đoàn TTVN, võ sĩ Karatedo Nguyễn Thanh Duy (-60 kg) đoạt chiếc HCĐ cuối cùng nội dung đối kháng. Trước đó, Duy để thua đối thủ Almasatfa (Jordan) 2-6 ở tứ kết. Tại vòng đấu vớt tranh HCĐ, Thanh Duy thủ hòa VĐV chủ nhà Lee Chun Ho 2-2 nhưng được trọng tài xử thắng ưu thế. Ở trận tranh HCĐ, Duy đánh bại Assadilov (Kazakhstan) tỉ số cách biệt 7-1 giành chiến thắng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm