Ngày 27-6, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND huyện Đồng Phú, Bình Phước đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Hoàng Trọng Nghĩa (39 tuổi, ngụ Đồng Xoài, Bình Phước) vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Vụ án này đã kéo dài 14 năm và pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài phản ánh. Bị cáo từng ba lần được TAND huyện Đồng Phú tuyên không phạm tội và cả ba lần đều bị TAND tỉnh Bình Phước hủy án để điều tra, xét xử lại.
Hậu quả đau lòng từ vụ TNGT
Cuối năm 2014, đoàn giám sát án oan của Quốc hội từng nghe báo cáo về vụ án này, bởi nó có mâu thuẫn trong quan điểm đánh giá của các cơ quan tố tụng.
Theo hồ sơ, khoảng 18 giờ 30 ngày 23-9-2002, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại quốc lộ 14 hướng từ huyện Bù Đăng về thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Hậu quả làm một người chết, còn anh Nghĩa bị chấn thương sọ não nặng.
Đến tháng 3-2004, anh Nghĩa bị Công an huyện Đồng Phú khởi tố, điều tra. Sau đó VKS ban hành cáo trạng cáo buộc anh Nghĩa chạy xe máy tông phải một người đang đi bộ sát lề đường cùng chiều khiến người này ngã xuống đường, bị xe máy của anh Nghĩa kéo đi khoảng 10 m. Xe của anh Nghĩa còn tông tiếp một người đang dắt xe đi bộ phía trước làm xe người này bị ngã nhưng không sao. Anh Nghĩa bị rối loạn cảm xúc hưng cảm, cần chữa bệnh bắt buộc nên vụ án được tạm đình chỉ vào tháng 12-2004. Một năm sau, vụ án được phục hồi. Lúc này bệnh tình của anh Nghĩa vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Đại diện phía bị hại không đến dự, người thân cũng không vào, một mình Hoàng Trọng Nghĩa trơ trọi trong phiên tòa sơ thẩm lần bốn. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Ba lần được tuyên vô tội
Từ tháng 4-2006, TAND tỉnh Bình Phước nhiều lần mở phiên tòa rồi hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung với những lý do: Kết quả khám nghiệm và lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn; chưa làm rõ nạn nhân bị thương tại vùng chẩm là do tác động vào vật gì; biên bản khám nghiệm hiện trường không có xe máy của người dắt xe đi bộ là vi phạm nghiêm trọng tố tụng…
Sau khi tòa án cấp huyện được tăng thẩm quyền, vụ án này được đưa về TAND huyện Đồng Phú xử sơ thẩm. Từ đó, TAND huyện Đồng Phú đã ba lần tuyên anh Nghĩa không phạm tội với những lập luận rất thuyết phục. Ví như những người được xác định là nhân chứng không ai trực tiếp chứng kiến anh Nghĩa tông nạn nhân; sự thật là có vụ TNGT khiến một người chết và anh Nghĩa bị thương nặng, còn ai tông nạn nhân thì chưa xác định được…
Tuy nhiên, cả ba lần VKSND huyện Đồng Phú đều kháng nghị theo hướng anh Nghĩa có tội. Và cả ba lần TAND tỉnh Bình Phước đều tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Yêu cầu điều tra những điều từng “bí”
Tại phiên tòa sơ thẩm lần bốn này, đại diện VKSND huyện Đồng Phú đề nghị tuyên bị cáo có tội và phạt 2-3 năm cải tạo không giam giữ. Luật sư bào chữa đề nghị tuyên anh Nghĩa không phạm tội vì hai căn cứ: Không có chứng cứ kết tội bị cáo và sự thật khách quan của vụ TNGT chưa được làm rõ, anh Nghĩa cũng chính là nạn nhân của vụ TNGT và hiện anh không nhớ gì…
Kết thúc một ngày rưỡi xét xử, HĐXX nghị án kéo dài rồi tuyên trả hồ sơ. HĐXX yêu cầu VKS dựng lại hiện trường và làm rõ vị trí va chạm, cách thức va chạm và bộ phận nào của xe va chạm gây ra các vết cà giữa hai xe máy, vị trí của những người trong vụ án… Cần làm rõ khi xảy ra va chạm, hai xe đang lên dốc hay xuống dốc. Bởi nếu xe của Nghĩa đang lên dốc thì anh không thể va chạm mạnh và kéo lê người bị tông đi 10 m như cáo buộc của VKS...
Điều đáng nói là những yêu cầu điều tra bổ sung này đã từng được tòa đặt ra nhưng VKS và CQĐT đều không thể làm rõ được. Đó cũng chính là lý do mà tòa đã viện dẫn khi tuyên bị cáo không phạm tội tại phiên tòa sơ thẩm lần ba.
PV Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Lần trả hồ sơ này tòa cũng đặt ra yêu cầu giống những lần trả hồ sơ trước, trong khi những lần trước VKS và CQĐT không làm rõ được. Vậy có cần thiết phải trả hồ sơ nữa hay không?”. Thẩm phán Nguyễn Nguyên Hoàng, chủ tọa phiên tòa, cho biết: “Việc trả hồ sơ là do HĐXX quyết định. Lời khai của người liên quan có thay đổi. Qua việc kiểm tra hiện trường trong lần xét xử này, HĐXX nhận thấy có thay đổi giữa biên bản khám nghiệm năm 2009 và biên bản khám nghiệm năm 2002…”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
Khi bị cáo cũng là nạn nhân 14 năm qua, trước các cáo buộc của VKS và các câu hỏi của người tiến hành tố tụng đặt ra tại tòa, anh Hoàng Trọng Nghĩa chỉ cười hiền. Tất cả những gì anh muốn khai với cơ quan tố tụng chỉ là: “Hôm xảy ra vụ án, tôi đang chạy xe trên đường thì bị một xe máy khác bất ngờ chạy ra tông ngã xuống đường, sau đó tôi không biết gì nữa…”. Từng làm bí thư chi đoàn, đã học trung cấp chính trị, tai nạn xảy ra khiến anh Nghĩa phải chữa trị chấn thương sọ não và điều trị bắt buộc tại BV Tâm thần Trung ương II ở Biên Hòa, Đồng Nai. 14 năm, anh Nghĩa bị TNGT rồi vướng vào vòng tố tụng, gia đình Nghĩa cũng tan vỡ. Vợ của anh đã âm thầm xin ly hôn rồi đưa con về nhà ngoại ở, từ đó anh không còn được gặp lại con. 14 năm, Nghĩa từ một thợ sửa xe máy lành nghề, đến nay phần nghề nghiệp trong lý lịch đã thành “không”. 14 năm, Nghĩa từ một trụ cột lao động chính trong gia đình đã trở thành một người khi nhớ khi quên, luôn nép mình bên cha mẹ… TNGT là vấn nạn chung của đất nước, vì vậy nếu có chứng cứ thuyết phục, cơ quan tố tụng thường xử rất nghiêm người gây ra tai nạn, nếu có người chết thì không được xử án treo. Nhưng án TNGT cũng là loại án khó chứng minh nhất, bởi khi xảy ra tai nạn không phải bao giờ cũng có người chứng kiến, bao giờ các vết tích hiện trường cũng phục vụ đắc lực cho việc điều tra. Với vụ án của Nghĩa, ngay cả anh còn không nhớ gì thì việc chứng minh ai có lỗi, lỗi đến đâu… là điều cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, nguyên tắc tố tụng định rõ: Không chứng minh được bị can/bị cáo phạm tội thì phải tuyên vô tội. Vì vậy, việc tòa trì hoãn tuyên vô tội (lần bốn) để trả hồ sơ điều tra bổ sung những điều không thể bổ sung được nữa là đi ngược lại nguyên tắc tố tụng tiến bộ này. Vụ án càng kéo dài thì càng gây thêm sự khổ đau cho không chỉ bị cáo Nghĩa. Bởi xét cho cùng, Nghĩa cũng là nạn nhân trong vụ TNGT mà có thể Nghĩa không phải là người có lỗi. PHƯƠNG LOAN |