Theo tiến trình này thì đến năm 2020 “tiền rác” gọi chung sẽ bao gồm ba loại phí: thu gom-vận chuyển và xử lý, tối đa một hộ phải trả khoảng 142.000 đồng/tháng.
Thói quen cứ nghe lên giá ai mà chẳng “ghét”. Xem lại mức chênh lệch, người ta càng bức xúc nặng vì tăng đến 7-8 lần.
Thế nhưng bình tĩnh lại, tôi thấy việc này không có gì đáng phàn nàn cả. Hiện tiền rác cho hộ gia đình nơi cao cũng chỉ đến 30.000 đồng/tháng, tôi vẫn thấy mức phí này đang quá rẻ mạt. Vì sao, xin nêu vài lý do.
Một là, liên quan đến rác đều là công việc rất nặng nhọc. Rác thải của nhà mình mà ai nấy đều ngại vì nó lộn xộn, bẩn và có mùi khó chịu. Người dân chưa có thói quen phân loại rác nên trong một túi rác gia đình là hầm bà lằng tỉ thứ lẫn lộn, đến người xài xả ra còn ngại chứ đừng nói người đi gom.
Hai là, nguy cơ từ rác thải là rất cao, vừa sự cố vật lý như đồ sắc nhọn không được đóng gói kỹ đến khí độc, bệnh phẩm…
Ba là,công nghệ xử lý còn kém khiến bên thu gom, vận chuyển, xử lý hầu như đều phải dùng sức người là chính. Người “thợ rác” hằng ngày ngập mình trong núi rác thải, dù ai gọi đó là lao động không cần trình độ, tôi vẫn thấy quá nể vì họ đã gánh phần việc nhọc thân đến vậy cho xã hội. Lao động về rác cần được đánh giá cao hơn.
Do vậy, tất yếu phải tăng tiền rác, vừa xóa bớt cơ chế bao cấp vừa để tăng ý thức người dân. Số tiền đó rất cần thiết để trang bị những phương tiện tốt hơn, mua công nghệ hiện đại hơn nhằm xử lý tốt nhất đống chất thải không ai muốn ngó tới sau khi ra khỏi nhà mình. Nhưng để xử lý nó gọn gàng, bảo vệ môi sinh, môi trường còn cả đoạn dài phía sau với bao sức người, sức của.
Nhìn các công nhân rác của nước ngoài rồi nhìn lại nhóm đi gom rác cho khu nhà mình (những người xử lý rác tư nhân), tôi thực sự xót xa. Nếu không có tiền đầu tư họ sẽ mãi mãi như vậy, vẫn không đồ bảo hộ, vẫn chiếc xe cà tàng treo móc lủng lẳng. Xe rác chạy trên đường vẫn rơi rớt, nhễu nước và “tỏa hương”, bãi xử lý rác vẫn đầu độc cả một vùng lân cận. Nước ngoài không có chuyện đó, vì họ có tiền.
Sở dĩ chúng ta không thấy tiền rác cần tăng là do chưa ý thức thực sự rác là gì và mối liên hệ nhân quả giữa rác và môi trường. Đó là lý do con người, dù ở đô thị loại I này vẫn thoải mái xả rác mọi lúc mọi nơi. Vô tư vứt rác, bao nylon, cốc nhựa, phóng uế… ra đường, xuống kênh không cần biết gây ra chuyện gì rồi sau đó than trời than đất, “chửi” cơ quan chức năng khi nguồn nước ô nhiễm, cá chết, bệnh tật… Kỳ không?
Tôi thấy lạ, sao dân ta không có cái “cơn thèm” những con đường sạch như ly như lau ở Singapore, Nhật Bản, không thèm dòng kênh có cá lội tung tăng, không thèm cảm giác ra đường yên tâm mà hít thở. Làm gì có cơ quan nào giữ nổi nếu cả triệu người dân cùng không coi trọng môi trường đủ để ứng xử đúng đắn với rác thải.
Xử lý rác trần ai lắm, thu phí 30.000 đồng/tháng làm sao làm cho tốt được!