Thứ nhất, nguyên nhân kinh tế của tội phạm giết người. Điều dễ thấy là phần lớn người phạm tội không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng thiếu sự chia sẻ của người thân và cộng đồng. Áp lực khó khăn kinh tế và thiếu việc làm là nguyên nhân cơ bản nhất của nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm phạm sở hữu, trong đó có giết người, cướp tài sản.
Thứ hai, nguyên nhân tâm lý, văn hóa, giáo dục của môi trường xã hội. Phần lớn phẩm chất tâm lý tốt, xấu của người phạm tội có được là do học hỏi, tiếp thu từ môi trường xã hội. Trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, sống thiếu lý tưởng cùng với tệ nạn xã hội bủa vây (ma túy, cờ bạc, game, rượu chè và những thú vui ăn chơi khơi gợi hứng thú bản năng…) làm cho thanh thiếu niên dễ sa ngã và phạm tội. Giá trị của quyền được sống, được tôn trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của con người… không hiện diện trong tâm lý, ý thức người phạm tội. Vì thế, một người có thể ra tay giết đồng loại của mình một cách lạnh lùng, không chút xúc cảm. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, con người được xã hội hóa trong môi trường mà những tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực nên dễ hình thành nhân cách phạm tội. Ví dụ như con người bị nhiễm hành vi bạo lực từ chính môi trường mà họ sống. Đó có thể là do cha mẹ của họ từng có hành vi bạo lực, có thể là do một người nào đó mà họ bị ảnh hưởng. Hình ảnh trò chơi trực tuyến và phim bạo lực ngày càng tàn bạo, chính điều này hình thành một hình ảnh tâm lý ám ảnh họ khi họ ở tâm lý tuổi mới lớn chưa thật sự ổn định. Khi ra tay, có thể họ bắt chước những hành vi trên game hoặc phim bạo lực. Bên cạnh đó, có thể do tác động của chất kích thích như rượu và ma túy làm họ có những hành vi nguy hiểm như vậy.
Mặt khác, tội phạm cũng cần được nhìn nhận như là phản ứng tự phát của cá nhân trước cuộc sống thiếu sự quan tâm chia sẻ. Cảm giác của sự cô độc, bị phân biệt đối xử, lệ thuộc và trả thù cá nhân là nguyên nhân của tội phạm giết người hàng loạt ở nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, xã hội có xu hướng đề cao lợi ích vật chất, lấy tiền bạc làm thước đo giá trị và đem ra mặc cả trong quan hệ xã hội, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, xử sự vi phạm quy tắc đã làm sai lệch nhân cách của từng thành viên cộng đồng. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tội phạm giết người không giảm mà còn diễn biến phức tạp hơn.
Thứ ba, nguyên nhân tổ chức, quản lý xã hội. Không phải mọi người trong xã hội đều có ý thức tự giác. Vì thế xã hội cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Tội phạm xảy ra một phần là do quản lý xã hội kém. Gia đình bận rộn làm ăn không quan tâm đến thành viên làm gì, ở đâu, quan hệ xã hội thế nào. Nhà trường cũng chưa quản lý chặt chẽ học sinh, kỷ luật không nghiêm để xảy ra tình trạng đánh nhau, làm nhục kiểu xã hội đen. Chính quyền không đủ sức quản lý dân cư, đặc biệt là dân nhập cư, không việc làm, đối tượng lưu manh, côn đồ, tiền án, thường dính dáng đến tệ nạn xã hội. Đó cũng là nguyên nhân của tội phạm giết người.
ThS NGUYỄN THỊ BÍCH MAI, giảng viên môn Tội phạm học, ĐH Luật TP.HCM
HỒNG TÚ ghi