Ngày 15-11, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hà Nội khẳng định việc bà Nguyễn Thị Luật (79 tuổi, ngụ phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) và Công ty Luật TNHH Everest tổ chức buổi họp báo là sai quy định.
Theo Sở TT&TT, ngày 19-10, bà Nguyễn Thị Luật ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Everest gửi công văn qua đường bưu điện đề nghị được tổ chức họp báo. Ngày 30-10, Sở TT&TT có công văn trả lời khẳng định nội dung bà Luật đề nghị thông tin tại buổi họp báo đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Căn cứ Luật Báo chí năm 2016, việc bà Luật đề nghị tổ chức họp báo là không phù hợp với quy định.
Ngày 10-11, bà Nguyễn Thị Luật (79 tuổi, trú phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Everest tổ chức buổi họp báo.
Ngày 31-10, Công ty Luật TNHH Everest có đơn khiếu nại gửi Sở TT&TT về văn bản nói trên, đồng thời tiếp tục đề nghị để bà Luật được tổ chức họp báo (có thời gian, địa điểm kèm theo).
“Sau khi có đơn khiếu nại, chúng tôi đã có giấy hẹn thông báo ngày trả lời, tuy nhiên công ty luật cũng như bà Luật không đến nhận. Nhưng đến ngày 10-11, công ty luật cũng như bà Luật vẫn tổ chức buổi họp báo là sai quy định...” - đại diện Sở TT&TT khẳng định.
Cũng theo đơn vị này, trong văn bản trả lời lần hai đã nêu rõ nội dung họp báo của bà Luật không phù hợp. Cụ thể, bà Luật đề nghị họp báo để khẳng định bản án dân sự của TAND tỉnh Bắc Giang mang tính chất chủ quan, không phù hợp quy định và sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, các nội dung này đang được các cơ quan chức năng giải quyết và chưa có kết luận chính thức. Vì vậy, việc khẳng định trên của công ty luật và bà Luật vào thời điểm hiện tại là chưa phù hợp với quy định.
Theo đó, lực lượng thanh tra Sở TT&TT sẽ tiến hành các bước xử phạt theo đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến quy định cá nhân họp báo, trả lời báoPháp Luật TP.HCM, Sở TT&TT khẳng định căn cứ Luật Báo chí năm 2016 (Điều 41): “Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó”.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian chậm nhất là sáu giờ trước khi họp báo. Trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.
“Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí…” - đại diện Sở TT&TT khẳng định.
Đơn vị này cũng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức (không trực thuộc trung ương hoặc không phải là cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam) và cá nhân tổ chức họp báo tại Hà Nội nộp hồ sơ gửi trực tiếp qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của Sở TT&TT, hoặc nộp hồ sơ trực tuyến tại cổng thông tin điện tử của Sở TT&TT TP Hà Nội (www.ict-hanoi.gov.vn). Thành phần hồ sơ được đăng tải công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính và cổng thông tin điện tử của đơn vị.
Theo Sở TT&TT, người cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp cho báo chí. Nhà báo khi được mời tham dự họp báo phải thực hiện các quy định của pháp luật về báo chí (Điều 25 Luật Báo chí năm 2016).
Căn cứ quy định pháp luật, Sở TT&TT TP Hà Nội cũng khẳng định đã và đang thực hiện việc giải quyết, trả lời đối với từng trường hợp cụ thể, các trường hợp không được chấp thuận Sở đều có văn bản trả lời theo quy định.
Đơn vị này cũng cho rằng để thực hiện tốt Điều 10 Luật Báo chí năm 2016, “Quyền tự do báo chí của công dân”, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành liên quan. Đồng thời các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định pháp luật.