Các chuyên gia cho rằng họp báo là quyền của công dân nhưng quy định về thời hạn 24 giờ để cơ quan quản lý nhà nước xem xét đề nghị của người dân là quá ngắn, chưa phù hợp với thực tế.
Họp báo khi chưa có phép: Người nói đúng, người bảo sai
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh bà Nguyễn Thị Luật (79 tuổi, trú phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Everest tổ chức buổi họp báo cung cấp một số thông tin về việc đề nghị giám đốc thẩm một bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang. Ban đầu bà có đơn đề nghị nhưng Sở Thông tin- Tuyền thông TP Hà Nội từ chối cấp phép nên bà Luật khiếu nại, tiếp tục yêu cầu được tổ chức họp báo. Khi chưa nhận được trả lời khiếu nại thì bà Luật tự tổ chức họp báo.
Buổi họp báo của bà Luật vào ngày 10-11
Theo LS Trịnh Văn Hiệp (Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam), Luật Báo chí cho phép mọi công dân được quyền tự do báo chí, được tự do cung cấp thông tin cho báo chí. Bà Luật tổ chức họp báo là đúng với quy định của pháp luật vì bà đã gửi công văn đề nghị và tài liệu theo yêu cầu của Sở TT&TT TP Hà Nội. Tại buổi họp báo bà Luật cung cấp một số thông tin về việc đề nghị giám đốc thẩm một bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang, như nội dung đã đăng ký.
Theo LS Hiệp, Điều 327, 328 BLTTDS quy định nếu đương sự cho rằng bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật nhưng vi phạm pháp luật thì có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị và đưa ra lý do. Nội dung bà Luật cung cấp tại buổi họp báo không thuộc các trường hợp cấm tại Điều 9 Luật Báo chí.
Ngược lại LS Huỳnh Thị Ngọc Xuân (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng, tuy bà Luật tổ chức hợp báo có xin phép và nội dung không trái pháp luật, nhưng Sở đã có văn bản trả lời rằng đang xem xét. Nếu Sở không có văn bản trả lời thì bà Luật mới được tiến hành họp báo. Ở đây Sở đã có văn bản trả lời và bà Luật không đồng tình nên đã khiếu nại thì phải theo quy trình giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại, không thể tự tổ chức họp báo như vậy. Vì vậy, việc bà Luật tổ chức họp báo trong khi đang khiếu nại văn bản trả lời của Sở là trái luật.
Thời hạn 24 giờ là quá ngắn
Về thời hạn cơ quan quản lý phải xem xét yêu cầu của cá nhân đề nghị họp báo trong vòng 24 giờ tại Điều 41 Luật Báo chí, cả LS Hiệp và LS Xuân đều cho rằng thời hạn trên chưa phù hợp, là quá ngắn để xét duyệt yêu cầu và trả lời bằng văn bản.
Nên gia tăng thời gian để cơ quan quản lý có đủ thời gian xem xét toàn bộ nội dung hồ sơ họp báo, đảm bảo hồ sơ đưa ra được thẩm định chặt chẽ cả về nội dung họp báo; ngày giờ họp báo; địa điểm; thành phần tham dự; người chủ trì, chức danh của người chủ trì… Hai LS đề nghị tăng thời gian từ 2-3 ngày để tránh trường hợp người yêu cầu vịn vào việc chưa nhận được văn bản trả lời đã tổ chức họp báo
Phải chịu trách nhiệm về thông tin Đối với việc cá nhân tổ chức họp báo (kể cả trường hợp có phép) có phải chịu trách nhiệm về thông tin phát ra từ cuộc họp báo hay không? Theo LS Hiệp, cá nhân họp báo phải chịu trách nhiệm nếu nội dung cuộc họp báo rơi vào các hành vi bị cấm tại Điều 9 Luật Báo chí, còn những nội dung không thuộc Điều 9 đó là quan điểm cá nhân của họ nên không vi phạm. Như vụ việc của bà Luật, tổ chức họp báo nói về vấn đề lý do, căn cứ mà gia đình bà kiên trì kháng nghị bản án phúc thẩm. Đó là quan điểm cá nhân của bà trong vụ án, không vi phạm điều cấm. Các cơ quan báo chí đăng tải lại thông tin cuộc họp báo thì phải tự chịu trách nhiệm nội dung thông tin. Nội dung đăng tải phải đúng như thông tin tại cuộc họp báo đưa ra, không được thêm bớt và những thông tin này phải phù hợp với luật pháp. |