Ba nhà khoa học Mỹ và Đức đoạt giải Nobel Hóa học 2014

Họ đã có công nghiên cứu kỹ thuật hiển vi phát sáng độ nét cao, giúp gia tăng độ phân giải của kính hiển vi quang học.

Trước đây, nhà vật lý người Đức Ernst Abbe vẫn cho rằng kính hiển vi quang học không thể nào quan sát được hình dạng của virus, protein và các phân tử nhỏ. Dù vậy, ba nhà khoa học nêu trên đã chứng minh ngược lại.

Nhờ các công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học nêu trên, kính hiển vi đã có thể quan sát được thế giới nano bởi đã vượt qua ngưỡng độ phân giải 0,2 µm (micrômét) nhờ ứng dụng các phân tử phát sáng. Với ứng dụng này, có thể sử dụng kính hiển vi quang học để quan sát vật sống ở mức độ tế bào mà không làm hỏng hay làm đông vật thể quan sát.

Ba nhà khoa học đã thiết lập hai phương pháp kỹ thuật để có thể nhìn thấy các phân tử di chuyển trong các tế bào sống. Năm 2000, nhà nghiên cứu Đức Stefan Hell đã khám phá kỹ thuật nghiên cứu hiển vi được gọi là suy giảm phát xạ cảm ứng (STED) bằng cách sử dụng hai tia laser. Một tia laser được dùng để kích thích các phân tử phát sáng lên và một tia laser sẽ hủy hiện tượng phát sáng, trừ các vật có kích thước nano.

Trong khi đó, hai nhà khoa học Mỹ Eric Betzig và William Moerner đã nghiên cứu kỹ thuật hiển vi đơn phân tử để kích hoạt hoặc không kích hoạt hiện tượng phát sáng của các phân tử tùy theo yêu cầu. Eric Betzig sử dụng kỹ thuật này lần đầu tiên vào năm 2006.

Nhà nghiên cứu Sven Lidin thuộc Đại học Lund (Thụy Điển), thành viên Ủy ban Nobel, nhận xét nhờ công lao của ba nhà khoa học Eric Betzig, Stefan W. Hell và William E. Moerner, hai lĩnh vực sinh học và hóa học đã hòa trộn vào nhau.

Eric Betzig 54 tuổi đang nghiên cứu tại Viện Y khoa Howard Hughes thuộc Trung tâm nghiên cứu Janelia tại Ashburn (bang Virginia, Mỹ). William Moerner 61 tuổi làm việc tại Đại học Stanford, còn Stefan Hell 51 tuổi làm việc tại Viện Nghiên cứu Max Planck ở Đức.

H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm