Tòa nhận định hành vi của bị cáo là "nghiêm trọng, gây hoang mang trong xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân". Bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả nhưng vẫn tích cực thực hiện hành vi trong thời gian dài, cần xử phạt nghiêm minh.
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tại tòa
Tháng 10-2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.HCM thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trang.
Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội xác định từ ngày 16-11-2017 đến 5-12-2018, bà Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung “nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Bị cáo còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, “phỉ báng chính quyền nhân dân”.
Cơ quan tố tụng cáo buộc bà Trang tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam".
Các tài liệu này có nội dung tuyên truyền "luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Quá trình điều tra, bà Trang xác nhận mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo. Tài liệu này do bị cáo cùng nhóm tác giả viết bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra.
Bà Trang còn bị cáo buộc trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA), với một số phát ngôn "xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", “phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”.