Ngày 8-9, từ Rheinfelden, Thụy Sỹ, ông Trương Đình Vĩnh Quí, con trai điêu khắc sư Trương Đình Ý đã gởi mail cho chúng tôi bức ảnh ba tượng Phật A Di Đà, Quán Thế âm Bồ tát và Đại Thế Chí.
Tượng thực gấp 10 lần tượng nguyên mẫu
Theo ông Quí, đây là ba pho tượng mẫu của cha ông được đúc bằng đồng vào năm 1958. Trong đó, tượng A Di Đà cao 70cm, hai tượng Phật còn lại đều cao 65cm.
Ba bức tượng bằng đồng đúc năm 1958, hình mẫu của nhóm tượng trên núi Tà Cú. Ảnh TRƯƠNG ĐÌNH VĨNH QUÍ |
Đây cũng là hình mẫu mà kiến trúc sư Trương Đình Ý đã tạc ba pho tượng trong cảnh tịnh độ nhân gian trên núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), trong đó, một tượng cao 7m và hai tượng còn lại cao 6,5m. Lúc này ông còn đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
Ba pho tượng nói trên được xây dựng từ năm 1958 đến năm 1960. Sau khi hoàn thành công trình này, hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Thọ, chùa Linh Sơn Trường Thọ đã phác thảo pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn lộ thiên khổng lồ phía sau lưng chùa.
Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ đang cầu nguyện và kiến trúc sư Trương Đình Ý cạnh ba tượng Phật khi mới hoàn thành năm 1960. |
Để thực hiện ý nguyện tạc bức tượng Phật khổng lồ để đời, ông Trương Đình Ý đã rời bỏ giảng đường để toàn tâm toàn ý lên núi. Trước đó, chùa Linh Sơn Trường Thọ đã cử nhiều đoàn đi từ Quảng Trị đến tận mũi Cà Mau để kêu gọi phật tử đóng góp thực hiện công trình.
Sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ cũng đích thân đi đến nhiều nơi giải thích về lợi ích khi làm được pho tượng Phật khổng lồ này.
Năm 1962, công trình tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn được khởi công do điêu khắc sư Trương Đình Ý chủ trì. 5 năm sau, pho tượng Phật khổng lồ dài 49 m, cao 11 m mới hoàn thành, đạt kỷ lục dài nhất Đông Nam Á.
Hàng ngàn người vác từng viên đá từ chân núi lên
Ông Trương Đình Ý là một trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương 1935. Bàn tay tài hoa của ông được làng điêu khắc trong và ngoài nước đánh giá rất cao, đặc biệt là chuyên về Phật Tượng. Ông từng là giáo sư hội họa các trường Võ Tánh, Quy Nhơn (1940), Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (1950); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958); giảng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1956-1957).
Để làm được hai công trình đồ sộ này, hàng ngàn người đã đã phải vác từng viên đá, gánh từng bao xi măng từ chân núi lên. Ngoài ra, theo ông Trương Đình Vĩnh Quí, trong 7 năm đã có hàng chục, hàng trăm ngàn người đã tự nguyện góp công sức, tiền tài, vật lực.
Cảnh Tịnh độ nhân gian hiện nay trên núi Tà Cú. |
Trong số đó có thể kể đến các ông Thích Bôn Hải, Thích Bổn Long. Hay như ông Ba Đá, dù mù một mắt nhưng đã chẻ từng viên đá trong nhiều năm liền. Ông Tư Câm bị câm điếc bẩm sinh nhưng theo suốt công trình. Đặc biệt là người thợ hồ Lê Quang Ký rời bỏ gia đình ở Huế để theo chân điêu khắc gia Trương Đình Ý thực hiện từ đầu đến cuối công trình…
“Quan trọng nhất là Hòa Thượng Thích Vĩnh Thọ, là thầy bổn sư của ba tôi, quy y năm 1937, với pháp danh Quảng Lưu, người hướng dẫn tinh thần đã khởi xướng tạo lập Cảnh Tịnh Độ (1958) và Niết Bàn (1962). Không có ý nguyện to lớn của ngài Vĩnh Thọ, cha tôi không làm được pho tượng này” - ông Vĩnh Quí cho biết.
Theo ông Quí, cha ông là một Phật tử thuần thành, một tín sĩ điêu khắc và chỉ thích làm tượng Phật. Ngoài những công việc kiếm sống hằng ngày cho gia đình, chỗ nào có chùa chiền cần có tượng Phật để thờ là cha của ông sẵn sàng thực hiện trong những giờ rảnh rỗi. Đến nay, ông đã làm tượng Phật cho khoảng 50 chùa.
Ba tượng Phật nhìn từ trên cao. |
Vì vậy khi gặp lại thầy bổn sư của mình vào năm 1958, và theo ý muốn của thầy tạo cảnh tịnh độ nhân gian nên cha ông đã làm 3 pho tượng A Di Đà, Quan Âm và Đại Thế Chí.
“Cái khó khăn nhất của cha tôi là làm sao diễn tả được khuôn mặt giải thoát không còn buồn, vui, giận, hờn, thương, ghét, tham mụốn nữa. Trong suốt thời gian thực hiện công trình, cha tôi niệm phật, công phu hằng ngày cầu mong làm cho được để những ai có dịp đến đây, khi nhìn thấy khuôn mặt từ bi hỉ của pho tượng này sẽ phát tâm tu hành hoặc làm điều tốt cho đời“ - ông Quí kể lại.
Ngày 7-1-1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Năm 1995 điêu khắc sư Trường Đình Ý qua đời nhưng hai tuyệt tác của ông thì vẫn còn mãi. Điều này đã tạo nên sự khác biệt trên núi Tà Cú, đón hàng chục ngàn du khách, phật tử trong và ngoài nước đến chiêm bái mỗi năm.